Tin liên quan
Vào ngày 7-10, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã gây bất ngờ cho Israel khi tấn công vào lãnh thổ nước này, khiến 1.200 người ở Israel thiệt mạng. 200 người ở Israel bị Hamas bắt về Gaza làm con tin. Theo chuyên san Foreign Policy, đó là một thành công ấn tượng về mặt chiến thuật.
Tuy nhiên, khi lực lượng Israel tăng cường tấn công Gaza, khiến phần lớn phía bắc Gaza trở thành đống đổ nát và khoảng 19.000 người Palestine thiệt mạng, thì liệu Hamas có thể tuyên bố cuộc tấn công ngày 7-10 thành công?
Hai mục tiêu mà Hamas đạt được
Theo Foreign Policy, cuộc tấn công của Hamas đã đạt được hai mục tiêu: mang đến nỗi đau cho Israel và khiến nước này không còn cảm thấy an toàn.
Cuộc tấn công cho thấy niềm tin vững chắc của chính phủ Israel - rằng Hamas thiếu cả ý định và khả năng tiến hành một cuộc tấn công toàn diện trên đất Israel - đã tan thành mây khói. Chính niềm tin này đã khiến Israel không chuẩn bị cho cuộc đột kích đẫm máu và buộc Israel phải đánh giá lại cách tiếp cận an ninh của mình trong tương lai.
Phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công cũng có thể mang lại lợi ích cho Hamas. Cuộc tấn công trên bộ của Israel ở Gaza phù hợp với câu chuyện mà Hamas vẽ ra về sự xâm lược của Israel, khiến Israel bị các nước láng giềng xa lánh và làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.
Về lâu dài, cuộc xung đột sẽ khiến những thế hệ tương lai ở Gaza bất bình chống lại Israel, dẫn đến sự ủng hộ cho Hamas trong tương lai ngày càng tăng.
Hamas thu được ủng hộ trong cộng đồng Palestine
Theo Foreign Policy, Hamas đã khôi phục cái gọi là tinh thần kháng chiến của người dân Palestine.
Sau khi tiếp quản Gaza vào năm 2007, Hamas đã đối mặt với nhiều vấn đề trong việc quản lý Gaza. Điều này đòi hỏi Hamas phải tránh xung đột với Israel để đảm bảo rằng áp lực kinh tế - vốn rất lớn mà Israel áp đặt lên Gaza - không tăng lên và Israel không mở các cuộc tấn công mang tính hủy diệt vào Gaza.
Chính điều này đã khiến Hamas hạn chế các cuộc tấn công vào Israel và đôi khi đứng ngoài cuộc giao tranh khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad ở Gaza. Tuy nhiên, đường lối này khiến phe quân sự của Hamas tức giận và chỉ trích rằng lực lượng này đang dần từ bỏ đấu tranh vũ trang.
Foreign Policy đánh giá cuộc tấn công vào Israel hôm 7-10 đã làm tăng sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến nói chung và khôi phục uy tín của Hamas nói riêng.
Dù chưa tiến hành thăm dò ý kiến quy mô lớn nhưng việc thăm dò một số ít ý kiến của người Palestine ở Gaza và Bờ Tây cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc tấn công ngày 7-10 của Hamas. Trong khi đó, nhiều người Palestine, không phải là những người ủng hộ Hamas, tức giận trước hành động của Israel ở cả Gaza và Bờ Tây.
Cạnh đó, Israel cũng đang thả những người Palestine bị giam giữ ở các nhà tù Israel để đổi lấy những người Israel mà Hamas bắt vào ngày 7-10. Đây được coi là một chiến thắng rõ ràng cho Hamas, tức là nhờ cuộc tấn công này mà người Palestine được thả chứ không phải nhờ vào các cuộc đàm phán của Chính quyền Dân tộc Palestine (PA).
Sự chú ý của quốc tế
Trong nhiều năm, vấn đề Palestine dường như là vấn đề không vội giải quyết. Nó xếp sau hàng loạt vấn đề nóng cần giải quyết của các cường quốc.
Chẳng hạn, Mỹ tập trung vào Trung Quốc và vào cuộc chiến ở Ukraine, còn các chính phủ Ả Rập thì gần như phớt lờ vấn đề này. Thế nhưng giờ đây, vấn đề Palestine là vấn đề hàng đầu và là tâm điểm, theo Foreign Policy.
Xung đột tiếp diễn và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza làm suy yếu hình ảnh của Israel trong khu vực và càng làm tăng thêm chỉ trích từ những thực thể phản đối Israel, như Iran.
Mặc dù Iran phủ nhận có liên quan trực tiếp đến cuộc tấn công, nhưng sự thành công của chiến dịch của Hamas có thể khuyến khích Iran đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào “trục kháng chiến” - một mạng lưới khu vực gồm các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn nhằm gây bất ổn cho Israel và các đồng minh của nước này.
Những người ủng hộ Palestine tuần hành ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ) hôm 17-12. Ảnh: TASOS KATOPODIS/GETTY
Cuộc tấn công cũng tạm thời làm đình trệ cuộc đàm phán bình thường hóa do Mỹ hậu thuẫn giữa Israel và Saudi Arabia.
Nếu Riyadh công nhận Israel, điều đó sẽ đặt nền móng cho các quốc gia Ả Rập khác làm điều tương tự. Điều này sẽ khiến Hamas ngày càng bị cô lập và có ít đối tác để bảo vệ cái mà Hamas gọi là chính nghĩa của người Palestine.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công, Saudi Arabia đã tránh xa Israel và đưa ra các tuyên bố ủng hộ người Palestine, dù đây là hành động để xoa dịu phần lớn những người dân ủng hộ Palestine.
Vượt ra ngoài Trung Đông, cuộc chiến đã tạo ra sự ủng hộ đáng kể cho chính nghĩa của người Palestine. Hàng loạt cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine diễn ra khắp châu Âu, Mỹ. Rất đông các nước ở miền nam bán cầu đã chấp nhận câu chuyện của người Palestine, mô tả cuộc xung đột Israel-Hamas là một quốc gia mạnh tấn công vào thường dân vô tội.
Theo Foreign Policy, Hamas thậm chí có thể giành được một số chiến thắng ở Mỹ. Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và hầu hết các đảng viên Cộng hòa đều ủng hộ Israel, thì phe Dân chủ vẫn bị chia rẽ, khi có một bộ phận đảng viên trẻ tuổi chỉ trích Israel.
Mặc dù không ai ủng hộ Hamas, một số nhà lập pháp đảng Dân chủ đã kêu gọi ngừng bắn, hạn chế viện trợ quân sự cho Israel và có các bước khác đi ngược lại chính sách của Israel.
Giá đắt mà Hamas phải trả
Dù Hamas có được lợi ích gì thì lực lượng này cũng phải trả giá rất đắt. Cả ban lãnh đạo và bộ máy quân sự của Hamas đều có khả năng bị xóa bỏ sau chiến dịch quân sự của Israel.
Hiện tại, Israel tuyên bố đã hạ hàng chục chỉ huy và hơn 7.000 chiến binh Hamas. Israel có thể sẽ tiếp tục chiến dịch ám sát các thủ lĩnh Hamas trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên tới, theo Foreign Policy.
Lính Israel hoạt động ở Gaza vào ngày 14-12. Ảnh: REUTERS
Những người dân ở Gaza đương nhiên sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất. Sự tàn phá ở Dải Gaza cũng như sự di tản của phần lớn dân số ở đây sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng kéo dài, ngay cả khi lệnh ngừng bắn sớm được thỏa thuận, và công việc tái thiết cũng là một trở ngại.
Chính những nỗi đau này có thể khiến Hamas phải trả giá đắt khi lực lượng này có thể đánh mất đi sự ủng hộ của những người dân Palestine. Khi nỗi đau chiến tranh vơi đi trong khi sự mất mát và tàn phá vẫn tiếp diễn, người Palestine có thể coi Hamas là một tổ chức nguy hiểm hơn là một tổ chức anh hùng.
Tuy nhiên, cần phải có những cuộc đàm phán và các cách thức hòa bình để người Palestine cảm thấy việc bất đồng và phản kháng bằng B.L không phải là lựa chọn tốt nhất, theo giới quan sát.