Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X ngày 22/12, Thủ tướng tạm quyền của Hà Lan Mark Rutte cho biết, ông đã thông báo cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về quyết định trên.
"Chuyển giao F-16 là một trong những yếu tố quan trọng nhất của các thỏa thuận đã được ký kết về sự hỗ trợ quân sự của chúng tôi dành cho Ukraine”, ông Rutte viết.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Hà Lan nói thêm, việc cung cấp chiến đấu cơ vẫn đang chờ Bộ Ngoại giao nước này cấp phép xuất khẩu cũng như đáp ứng các tiêu chí về nhân sự và cơ sở hạ tầng ở Ukraine. Ông Rutte không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho quyết định. Song, Chính phủ Hà Lan cho biết, thông báo có thể giúp dự trữ kinh phí và nhân lực để chuẩn bị bàn giao tiêm kích.
Hà Lan đã gửi những chiếc F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất tới một cơ sở đào tạo mới dành cho phi công và nhân viên Ukraine ở Romania vào tháng trước. Đan Mạch, Na Uy và Bỉ cũng tuyên bố sẽ cung cấp loại tiêm kích này cho Kiev, sau khi Washington đồng ý chuyển giao chúng ngay sau khi khóa đào tạo phi công cho Ukraine hoàn tất.
Mỹ dọa trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga
Cùng ngày 22/12, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga lách các lệnh trừng phạt nước này vì cuộc xung đột ở Ukraine, trong bối cảnh Washington đang tìm cách tăng áp lực lên Moscow.
Những người ủng hộ Ukraine trong một cuộc tuần hành ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
Nhà Trắng lưu ý, sắc lệnh này cũng mang lại cho Washington khả năng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ Nga như hải sản và kim cương.
“Chúng tôi đang gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn: Bất kỳ ai ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đều có nguy cơ mất quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ”, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tiết lộ, Washington đã phối hợp với các đồng minh trong việc ban hành sắc lệnh trên.