Tin liên quan
Phát biểu tại sự kiện gây quỹ tranh cử ở Washington, ông Biden nêu rõ: “Họ (Israel) đang bắt đầu mất đi sự ủng". Tổng thống Biden cũng cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cần thay đổi chính phủ theo đường lối cứng rắn hiện nay của Israel. Theo ông, Chính phủ Israel “không muốn giải pháp hai nhà nước”, hướng đi mà Washington đã kêu gọi thúc đẩy sau khi xung đột Hamas - Israel nổ ra.
Cũng tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan tiết lộ trong chuyến thăm Israel sắp tới, ông sẽ thảo luận với giới chức nước chủ nhà về lộ trình của Israel cho cuộc xung đột ở Gaza.
Trong diễn biến liên quan, hãng Reuters ngày 12/12 dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận, mặc dù Mỹ ủng hộ mục tiêu của Israel tiêu diệt Hamas và giải cứu con tin, giữa hai bên tồn tại bất đồng quan điểm về việc quản lý Gaza sau khi kết thúc chiến tranh. Ông Netanyahu tuyên bố, Gaza sẽ không thuộc về Hamas hay phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas; khẳng định sẽ không cho phép Israel lặp lại sai lầm của Hiệp ước Oslo năm 1993, theo đó giao cho người Palestine quyền tự chủ hạn chế tại Bờ Tây và Gaza.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Geneva đưa tin, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki đã cáo buộc Israel sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh chống lại khoảng 1 triệu người ở Dải Gaza.
Phát biểu tại hội nghị ở Geneva nhân sự kiện kỷ niệm 75 năm “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền”, Ngoại trưởng Riyad al-Maliki nói: “Như chúng tôi đã đề cập, có ít nhất 1 triệu người Palestine ở Dải Gaza, một nửa trong số đó là trẻ em, đang chết đói không phải vì thiên tai hay vì thiếu sự hỗ trợ hào phóng đang chờ đợi ở biên giới. Không, họ đang chết đói vì Israel cố tình sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh chống lại người dân bị nước này chiếm đóng". Trong động thái phản ứng, một quan chức của Israel đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này khi trả lời hãng tin Reuters.
Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc (LHQ) ước tính 1 nửa trong tổng số 2,3 triệu người ở Dải Gaza đang rơi vào hoàn cảnh thiếu ăn, trong thời điểm Israel mở rộng chiến dịch tấn công ở các khu vực phía Nam của Dải Gaza nhằm đáp trả vụ tấn công của phong trào Hamas hôm 7/10.
Trong khi đó, LHQ ngày 12/12 cho biết Trung tâm vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) xác định rằng 18% cơ sở hạ tầng của Gaza đã bị phá hủy kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel.
Thông báo của UNOSAT cho biết thông tin trên được đưa ra dựa trên ảnh vệ tinh chụp được hôm 26/11. Thông báo nhấn mạnh: “Tính đến ngày 26/11, UNOSAT đã xác định được 10.049 công trình bị phá hủy, 8.243 công trình bị hư hỏng nặng và 19.087 công trình bị hư hỏng vừa phải, tổng cộng 37.379 công trình bị ảnh hưởng. Điều này tương ứng với khoảng 18% tổng số công trình ở Dải Gaza. Những phát hiện này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng ở Dải Gaza. Tác động đến cơ sở hạ tầng dân sự là rõ ràng, với hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở vật chất thiết yếu bị hư hại”.
Cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu với vụ tấn công của phong trào Hamas làm 1.200 người ở Israel thiệt mạng hôm 7/10. Sau đó, Israel đáp trả bằng chiến dịch không kích và trên bộ, nhằm vào các mục tiêu của phong trào Hamas ở Dải Gaza. Theo số liệu của cơ quan y tế, chiến dịch tấn công đáp trả của Israel đã làm hơn 18.000 người thiệt mạng, chủ yếu là thường dân.