Theo thông cáo báo chí của Đại học Bath của Vương quốc Anh, loài mới trên có tên là Stelladens mysteriosus, có kích thước gấp đôi một con cá heo. Nó có cách sắp xếp răng độc đáo với những đường gờ giống như lưỡi dao chạy dọc theo răng.
“Những chiếc răng kỳ lạ, có gờ” của nó “không giống với bất kỳ loài bò sát nào đã biết” - trường đại học trên nhấn mạnh.
Thương long là loài bò sát thủy sinh khổng lồ, thuộc kỷ Phấn trắng, vốn đã quen thuộc với các nhà khoa học hàng trăm năm. Nhưng đây là lần đầu tiên một con vật có sự sắp xếp răng bất thường như vậy được xác định, theo tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Nick Longrich thuộc Trung tâm Tiến hóa Milner.
Ông Longrich giải thích con vật trên “không giống bất kỳ con thương long hay bất kỳ loài bò sát nào, thậm chí là bất kỳ động vật có xương sống nào mà chúng ta từng thấy trước đây”.
Những chiếc răng hình tuốc nơ vít của loài vật mới phát hiện.
“Cùng với những phát hiện gần đây khác từ châu Phi, con vật trên gợi ý rằng thương long và các loài bò sát biển khác đã tiến hóa nhanh chóng cho đến 66 triệu năm trước, khi chúng bị một tiểu hành tinh quét sạch cùng với khủng long và khoảng 90% các loài trên Trái đất” - thông cáo báo chí của Đại học Bath ghi nhận.
Các chuyên gia khác cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước phát hiện này.
Tiến sĩ Nathalie Bardet, một chuyên gia về đời sống bò sát biển tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris, Pháp, cho biết bà vừa "bối rối vừa kinh ngạc" trước phát hiện này.
"Tôi đã nghiên cứu về thương long ở Morocco hơn 20 năm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này” – bà nói.