Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách, Chương trình, Đề án nhằm tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, nhất là cho trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số nơi còn chưa được tốt, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, học tập của trẻ em mầm non, học sinh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp chỉ đạo rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và việc thực hiện các chế độ chính sách khác đối với trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm.
Tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra việc thực hiện chính sách về giáo dục dân tộc, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ trong các cơ sở giáo dục.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị giáo dục và quy định về đạo đức nhà giáo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục; tích cực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Người đứng đầu Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc sử dụng hiệu quả các nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030 cho giáo dục, đảm bảo thực hiện mục tiêu "100% số trường, lớp học ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được xây dựng kiên cố".
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá, huy động các nguồn lực để bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh tại trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ, chính sách ở các cấp quản lý.
Trước đó, ngày 17/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có văn bản hỏa tốc yêu cầu huyện Bắc Hà phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ các thông tin phản ánh về bữa ăn cho học sinh tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
Ngay sau đó, ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng trường này, bị UBND huyện Bắc Hà đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ điều tra, làm rõ thông tin bữa ăn bán trú của 174 học sinh trường Hoàng Thu Phố 1 không đảm bảo.
Về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh vừa qua có rất nhiều vụ việc gây bất bình dư luận. Chẳng hạn, phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa, Hà Đông, TP.Hà Nội khi bất ngờ kiểm tra bếp ăn bán trú ở trường đã vô cùng bức xúc khi chứng kiến bữa ăn rất đạm bạc của các con.
Cụ thể, 1 suất cơm bán trú có mức giá 32.000 đồng, chỉ bao gồm 1 miếng giò nhỏ, 1 ít khoai tây và 3-4 miếng cá chiên giòn, lèo tèo vài ba sợi giá.
Hôm khác, thực đơn vẫn chỉ là một ít khoai tây, 3-4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng một miếng thịt nhỏ. Nhiều phụ huynh ngôi trường này bức xúc cho rằng, họ mong muốn được nhà trường cung cấp rõ, với suất ăn giá 32.000 đồng/cháu, chi phí thuế, nhân công, điện nước, gia vị, định lượng thực phẩm... là bao nhiêu.
Thời gian qua có không ít phụ huynh nghi ngờ chất lượng bữa ăn bị rút ruột và nghi lãnh đạo nhà trường ăn “hoa hồng” trên bữa ăn của trò.
Cuối tháng 7/2022, thông tin Hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận tiền hằng tháng từ các đơn vị cung cấp thực phẩm (cho bữa ăn bán trú) với tổng số tiền 436 triệu đồng khiến nhiều người phẫn nộ.
Các phụ huynh đặt ra câu hỏi, việc nhận số tiền đó, thì bữa ăn bán trú của học sinh có bị “rút ruột” nghiêm trọng? vậy dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn sẽ ra sao?
Không chỉ là về khẩu phần ăn còn nhiều nghi ngại mà chất lượng bữa ăn còn là vấn đề quan ngại hơn khi thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến dư luận bất an.
Gần đây nhất, ngày 28/9, 28 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh ngọt tại lớp.
Theo đánh giá bước đầu của Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình, nguyên nhân ngộ độc là món bánh bông lan trứng muối, căn nguyên do vi sinh vật.
Chi cục An toàn thực phẩm Thái Bình sẽ xem xét các hành vi vi phạm Pháp Luật của cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm, kiến nghị xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 28/4/2023 các giáo viên Trường Mầm non Phong Thủy, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình đã phát hiện vật thể đỉa trong bình nước nhà trường mua về cho học sinh sử dụng.
Sản phẩm này là của Công ty Cổ phần nước khoáng Bang (địa chỉ tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy), một đơn vị sản xuất nước khoáng, nước giải khát đóng chai được nhiều trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang sử dụng.
Tại TP.HCM, thời gian qua cũng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 12/4 làm 38/717 học sinh dùng bữa ăn trưa tại Trường THCS Rạng Đông (đường Phan Chu Trinh nối dài, P.12, Q.Bình Thạnh) bị ngộ độc.
Vụ ngộ độc thực phẩm thứ hai do vi khuẩn Clostridium Botulinum xảy ra tại phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức vào ngày 13/5 khiến 3/4 người ăn nhập viện.
Trước đó là vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang vào năm 2022 khiến hơn 600 học sinh ngộ độc và một học sinh tử vong, hay Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) trong chuyến đi tham quan dã ngoại vào đầu năm nay cũng gây xôn xao dư luận.
Liên tiếp các lùm xùm về bữa ăn học đường đã khiến các bậc phụ huynh rẩt bất an đòi hỏi các cơ quan quản lý và bản thân lãnh đạo mỗi cơ sở giáo dục phải giám sát chặt.
Là một phụ huynh có con ăn bán trú tại trường, nhiều phụ huynh khi được hỏi cho biết họ thực sự bức xúc và bất an. Một trong những nguyên nhân khiến cho bữa ăn của các con chưa bảo đảm chất lượng là do khâu kiểm tra, quản lý, giám sát chưa chặt chẽ và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng.
Hiện nay, phụ huynh học sinh đều được tham gia giám sát mọi khâu của quy trình, từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, rồi ra thành phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thời gian và không phải ngày nào phụ huynh cũng có thể tham gia giám sát. Vì vậy, bên cạnh vai trò của nhà trường thì đơn vị cung ứng cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh.
Đặc biệt, theo một số chuyên gia, cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc đối với những sai phạm liên quan đến vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường để tăng tính răn đe, nâng trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh...