Quy định này khiến không ít nhân viên y tế học đường tâm tư và băn khoăn, lo lắng…
Việc nhiều, lương thấp
Phụ trách công tác y tế học đường của Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cô Quản Thị Uyên luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công việc chính của cô là công tác y tế nhà trường. Nếu không may học sinh gặp sự cố, cô là người đầu tiên sơ cứu rồi dựng kế hoạch khám sức khỏe trẻ định kỳ và kiểm tra an toàn thực phẩm.
Khi có chiến dịch phòng, chống dịch bệnh của phường, cô Uyên sẽ tham gia, đồng thời lĩnh hội chỉ đạo của cấp trên để triển khai, áp dụng vào nhà trường. “Làm công việc này đòi hỏi phải có chuyên môn và tâm huyết”, cô Uyên bộc bạch và thấy hụt hẫng khi y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục, mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ.
Được đào tạo y tế bài bản nên cô Lộc Thị Lưu – nhân viên y tế học đường Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS tả Ván (Quản Bạ, Hà Giang) luôn đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Trong công việc, cô Lưu hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí còn đảm nhiệm công việc y tế học đường cho trường mầm non và tiểu học trên cùng địa bàn xã.
“Nếu xếp nhân viên y tế học đường vào vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động thì thiệt thòi cho chúng tôi. Rất mong các cấp, ngành quan tâm xem xét, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn”, cô Lưu mong mỏi.
Theo cô Lưu, hiện nay thu nhập của nhân viên y tế học đường thuộc nhóm thấp; trong khi áp lực công việc lớn, thậm chí nhiều việc “không tên”. Cô Lưu viện dẫn, cô đảm nhiệm công tác y tế học đường cho 3 cơ sở giáo dục của xã tả Ván nên hàng ngày phải “phân thân” chạy đi chạy lại giữa các trường. Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng, cô Lưu ra khỏi nhà đi làm và về lúc trời tối, sương mù dày đặc, đường sá đi lại khó khăn.
Ngoài kiểm tra sức khỏe cho hơn 600 học sinh 3 trường, cô Lưu phải làm sổ sách (mỗi trường có khoảng 3 - 5 đầu sổ ghi chép các thông số và công việc hàng ngày). Cô xây dựng kế hoạch, vệ sinh trường lớp, phòng chống dịch bệnh… “Ngày nào cũng tất bật công việc, trong khi thu nhập chưa đầy 8 triệu/tháng”, cô Lưu trải lòng.
Cô Quản Thị Uyên - Phụ trách công tác y tế học đường Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Lo “đứng ngoài” chính sách
“Mong lắm được ở vị trí chuyên môn”, là tâm nguyện của bạn đọc Phùng Hương Liên, ở Hà Nội gửi về Báo Giáo dục và Thời đại. Trong thư, bạn đọc Hương Liên kể: “Chúng tôi kiêm nhiệm nhiều việc như: Thu nộp, lập danh sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, sơ cấp cứu ban đầu, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh…
Chúng tôi làm công việc như 1 trạm y tế thu nhỏ, tham gia tăng cường tiêm chủng, khám sức khỏe toàn dân. Đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đi tăng cường không quản ngày đêm. Vì vậy, mong các cấp quan tâm để chúng tôi yên tâm làm việc và yêu nghề hơn”.
Trong tâm thư gửi về Báo Giáo dục và Thời đại của nhóm những người làm y tế học đường tại các tỉnh, thành trên cả nước tha thiết đề nghị các cơ quan hữu quan nhìn nhận, xem xét nhân viên y tế trường học được là viên chức trong ngành Giáo dục hoặc ngành Y tế.
“Có những người đã làm việc theo chế độ hợp đồng hơn 10 năm với đồng lương hơn 3 triệu đồng/tháng để chờ đến đợt tuyển dụng thi tuyển viên chức. Năm 2023, nhiều tỉnh, thành mở đợt tuyển dụng viên chức, chúng tôi nộp hồ sơ và tham dự thi tuyển như các ngành khác, được nhận
Quyết định trúng tuyển, bổ nhiệm viên chức. Nay chúng tôi hụt hẫng khi nhận một số văn bản hướng dẫn nhân viên y tế trường học thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thực hiện chế độ hợp đồng như nhân viên bảo vệ, tạp vụ”, nhiều nhân viên y tế học đường bộc bạch.
Trong thư, các nhân viên y tế học đường băn khoăn: “Sau ngày 16/12/2023, khi Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực không biết chúng tôi thuộc viên chức ngành nào? Hay về vị trí nhân viên hợp đồng? Trong lúc cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước hân hoan đón chờ chính sách cải cách tiền lương mới thì chúng tôi hoang mang, lo lắng. Nhân viên y tế mong được xem xét, sắp xếp vị trí việc làm tương xứng trình độ chuyên môn”.
Toàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có hơn 29 nghìn học sinh học tập tại 53 trường mầm non, tiểu học, THCS, song mới có 30 nhân viên y tế học đường. Ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng GD&ĐT cho hay, việc một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm 3 trường là điều khó tránh khỏi. Việc nhiều, lương thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó tuyển dụng nhân viên y tế học đường.
Theo ông Thư, nhân viên y tế trường học có vai trò quan trọng trong củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học; bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh. Vì vậy, thiếu nhân viên y tế học đường ảnh hưởng đến kế hoạch, mục tiêu giảng dạy, theo dõi và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng, hợp đồng nhân viên y tế học đường gặp khó khăn bởi chế độ đãi ngộ, lương thưởng không cao nên khó thu hút nhân lực. Nay nếu vị trí việc làm này thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ thì việc tuyển dụng, hợp đồng càng khó chồng khó cho địa bàn vùng sâu, xa.
“Chúng tôi mong được bổ sung biên chế, có chính sách thu hút để tuyển dụng được nhân viên y tế trường học cho cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trước mắt, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang vị trí việc làm chuyên môn để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng”, ông Thư đề xuất.
Cô Lộc Thị Lưu phải hoàn thiện khoảng 3 - 5 đầu sổ ghi chép các thông số và công việc hàng ngày. Ảnh: NVCC
Để không khó chồng khó
Theo ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục được phân thành 4 nhóm gồm nhóm lãnh đạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ. Trước đây, vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường thuộc nhân viên trong cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ và Thông tư số 20/2023 của Bộ GD&ĐT thì vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường chuyển vào nhóm 4 (nhóm hỗ trợ, phục vụ) thực hiện theo Nghị định của Chính phủ.
“Trước mắt, đối với nhân viên y tế học đường đã thuộc diện biên chế vẫn hoạt động bình thường, được nâng lương, thụ hưởng chính sách như cũ và đảm bảo quyền lợi của người lao động”, ông Đào Đức Tuấn thông tin và cho biết, tạm thời Sở GD&ĐT Bình Định không đề xuất tuyển dụng, hợp đồng nhân viên y tế học đường. Vấn đề cần quan tâm là chế độ, chính sách cho đội ngũ hiện có, làm sao để họ yên tâm công tác, “sống được bằng nghề” và đảm bảo cuộc sống.
Liên quan đến vị trí việc làm y tế trường học, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngày 10/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/NĐ-CP về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 106).
Theo quy định tại Nghị định này, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (Điểm a, Khoản 1, Điều 12); Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 1, Điều 15).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 30/12/2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/TT-BNV (Thông tư số 12); trong đó vị trí “y tế học đường” được xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ (Phụ lục V Thông tư số 12 nêu trên).
Tháng 10/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT – gọi tắt là Thông tư số 19 - 20).
Việc ban hành Thông tư số 19 - 20 đã tuân thủ theo Nghị định 106 của Chính phủ và Thông tư số 12 của Bộ Nội vụ và được Bộ Nội vụ cho ý kiến thống nhất theo quy định. Thông tư số 19 - 20 có quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học được tuyển dụng trước ngày 15/2/2023.
Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới, sau ngày 15/2/2023 (thời điểm Thông tư số 12 có hiệu lực) phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động, gây khó khăn, tâm lý không ổn định cho đội ngũ này trong trường học.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác y tế học đường và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế học đường, ông Vũ Minh Đức cho hay, ngoài việc đề nghị các địa phương quan tâm đến chế độ chính sách đối với đội ngũ này, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12, điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng; từ đó bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ và học sinh trường học.
“Trong điều kiện thực hiện Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 85) về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025, vai trò của đội ngũ y tế học đường càng phải được quan tâm”, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.