Tin liên quan
Trong Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo diễn ra trong 2 ngày 14-15/12 tại trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Ukraine đã nhận được cùng lúc một tin vui và một tin không vui.
Tin vui là Ukraine cuối ngày 14/12 đã tiến một bước gần hơn tới việc trở thành thành viên EU sau khi Hội đồng châu Âu quyết định mở các cuộc đàm phán với quốc gia Đông Âu đang chìm trong xung đột này.
Đây là một chiến thắng mang tính biểu tượng, một “cú hích” lớn về chính trị cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thời điểm khó khăn khi cuộc phản công của Kiev nhằm tái chiếm lãnh thổ từ tay quân Nga bị sa lầy, và khi ông phải đấu tranh để duy trì sự hỗ trợ từ Mỹ và EU – 2 nhà tài trợ chính của Ukraine.
Liên quan đến vấn đề tài trợ, tin không vui cho Ukraine là vào đầu ngày 15/12 Hungary đã chặn EU phê duyệt gói hỗ trợ tài chính 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine. Điều này khiến cho chiến thắng trên của Ukraine không viên mãn.
Chiến thắng cho tất cả
Quyết định về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập EU diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Tổng thống Zelensky, người vừa trở về sau chuyến công du mệt mỏi tới Mỹ, nơi ông tìm kiếm khoản viện trợ 60 tỷ USD cực kỳ cần thiết cho nỗ lực chiến tranh của mình nhưng không được như ý bởi sự chia rẽ chính trị trong Quốc hội “xứ cờ hoa”.
Mặc dù khoảng cách từ các cuộc đàm phán gia nhập đến tư cách thành viên chính thức có thể là nhiều năm và quá trình này sẽ không bắt đầu ngay lập tức, nhưng quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối cùng của năm 2023 sẽ đưa Ukraine tiến một bước gần hơn tới mục tiêu chiến lược dài hạn của nước này: Hòa mình vào phương Tây và tự giải phóng khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images
“Đây là một chiến thắng cho Ukraine. Một chiến thắng cho toàn bộ châu Âu. Một chiến thắng tạo động lực, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh”, ông Zelensky cho biết trên X/Twitter để đáp lại tin tức tốt lành này. “Lịch sử được tạo nên bởi những người không mệt mỏi đấu tranh cho tự do”, ông nói.
EU đã sử dụng một cách rất không chính thống để đưa ra đưa ra quyết định: Thủ tướng Hungary Viktor Orban, vị lãnh đạo châu Âu có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Moscow, đã đồng ý rời khỏi phòng họp trong khi các đồng nghiệp của ông từ 26 quốc gia thành viên khác đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine.
Các nhà ngoại giao và quan chức cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đóng vai trò quan trọng trong việc buộc Orban rời khỏi phòng họp để dọn đường cho quyết định trên được công bố. Ông Scholz cho biết quyết định này là “một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ” đối với Ukraine.
“26 quốc gia thành viên kiên quyết rằng quyết định này phải được đưa ra, vì vậy Hungary quyết định rằng nếu 26 quốc gia quyết định như vậy, họ nên đi theo con đường riêng của mình và Hungary không muốn tham gia vào quyết định tồi tệ này”, ông Orban tuyên bố. Lần này Hungary đã thực sự bỏ “phiếu trắng”.
EU – nơi các thành viên vẫn coi trọng sự độc lập của mình trong các vấn đề chiến lược và đối ngoại – thường hoạt động dựa trên sự đồng thuận.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 14/15/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gợi ý rằng nếu Thủ tướng Hungary Viktor Orban thực sự không sẵn lòng đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với Kiev, thì ông nên cân nhắc việc rời khỏi phòng họp trong thời gian ngắn khi các nhà lãnh đạo EU còn lại công bố quyết định. Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết ông Orban đã không yêu cầu bất cứ điều gì để đổi lấy việc quyết định được công bố.
“Ông ấy nhận ra rằng chúng tôi đang ở trong một tình huống có 26 người có chung một lập trường và ông ấy có một lập trường khác. Vì vậy, ông ấy không muốn chặn nó và giải pháp này đã được tìm ra”, ông Costa nói.
Ngoài Ukraine, các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác là Moldova và trao tư cách ứng cử viên cho một nước nữa là Gruzia (Georgia). Họ cũng sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Bosnia và Herzegovina thuộc Nam Tư cũ sau khi nước này tiến hành một số cải cách chính trị nhất định.
Chịu được sự chậm trễ nhỏ
Đầu ngày 15/12, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, người chủ trì các cuộc họp, nói với giới truyền thông rằng 26 quốc gia EU ủng hộ hỗ trợ tài chính cho Ukraine, nhưng một quốc gia thì không.
“Một nhà lãnh đạo không đồng ý về điều này”, ông Michel cho biết trong một cuộc họp báo ngẫu hứng lúc 3h sáng giờ địa phương ngày 15/12, đồng thời nói thêm rằng các nhà lãnh đạo sẽ triệu tập lại để cố gắng đảm bảo sự nhất trí – điều cần thiết cho quyết định này – vào “đầu tháng Giêng” năm sau.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người trước đây đã trì hoãn một số biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow và được coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khối, đã nói trước đó vào ngày 14/12 rằng viện trợ cho Ukraine sẽ chỉ đến sau các cuộc bầu cử trên toàn châu Âu được lên kế hoạch vào mùa hè tới.
Ukraine có thể chịu được sự chậm trễ nhỏ trong việc phê duyệt khoản viện trợ trên. EU đã có nguồn tài trợ dành riêng cho Kiev trong ngân sách hiện tại, trong khi 50 tỷ Euro đang bị chặn nằm trong gói viện trợ mới cho quốc gia Đông Âu từ năm 2024 đến năm 2027.
Nếu ông Orban tiếp tục chặn nguồn tài trợ, EU vẫn có thể tạo được niềm tin với 26 nước thành viên còn lại, tất cả đều đã ra tín hiệu tán thành. Nhưng làm như vậy sẽ cồng kềnh và sẽ minh họa rõ hơn những vấn đề mà khối này phải đối mặt: Những vết nứt trong sự hỗ trợ của EU dành cho Ukraine.
“Chúng tôi có nhiều công cụ khác nhau trong hộp công cụ của mình để đảm bảo rằng chúng tôi thực hiện được những lời hứa chính trị của mình”, ông Michel cho biết khi được hỏi liệu 26 nhà lãnh đạo EU còn lại đã đồng ý viện trợ cho Ukraine có thể loại Hungary ra khỏi quá trình này hay không.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở châu Âu, ở Wiesbaden, trong chuyến thăm bất ngờ tới Đức, ngày 14/12/2023. Cùng ngày EU quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập khối với Ukraine. Ảnh: Moscow Times
Các nhà phê bình cho rằng việc Budapest phản đối mở các cuộc đàm phán kết nạp với Kiev và nguồn tài trợ dài hạn cho Ukraine được hiểu rõ nhất là một nỗ lực của ông Orban nhằm giải phóng các khoản quỹ EU dành riêng cho Hungary.
Hôm 13/12, EU đã giải phóng 10 tỷ Euro (11 tỷ USD) bị đóng băng như vậy. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của khối, cho biết họ đã hành động sau khi Hungary đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp. Các quan chức khẳng định thời điểm giải phóng quỹ diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Các nhà phê bình chỉ trích động thái này là đầu hàng trước “sự tống tiền” của Hungary, một tuyên bố mà ông Orban đã bác bỏ. “Chúng tôi đến đây không phải để bàn chuyện làm ăn”, ông Orban nói. “Đó không phải là một cuộc cò kè mặc cả. Đó không phải là về một thỏa thuận. Chúng tôi đại diện cho các cách tiếp cận và nguyên tắc”.
“Hungary không liên kết bất kỳ vấn đề nào của Hungary với bất kỳ vấn đề nào của Ukraine hoặc bất kỳ vấn đề nào khác”, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc nói.
Cảm thấy không bị bỏ rơi
Tuy nhiên, có một dấu hiệu nữa cho thấy nhà lãnh đạo Hungary có kế hoạch tiếp tục gây khó dễ cho quá trình gia nhập EU của Ukraine.
Ông Orban gọi việc mở các cuộc đàm phán chính thức với Kiev là một “quyết định tồi”, ông Balazs Orban, một trong những cố vấn thân cận nhất của Thủ tướng Hungary, cho biết, gợi ý trên X/Twitter rằng Budapest còn nhiều cơ hội để làm gián đoạn các cuộc đàm phán gia nhập Ukraine thường sẽ kéo dài nhiều năm.
Khi một năm sắp kết thúc, áp lực ngày càng tăng ở Mỹ và EU trong việc cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine bất chấp những trở ngại chính trị.
Cường độ của các cảnh báo đã gia tăng. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 13/12 cho biết: “Tôi không nghĩ là cường điệu khi nói rằng về cơ bản an ninh của châu Âu đang bị đe dọa, và do đó làm gia tăng nguy cơ người Mỹ phải đối phó với một cuộc chiến tranh lớn khác ở châu Âu, như chúng ta đã từng làm trước đây, nếu chúng ta không hợp tác với Ukraine để ngăn chặn Nga”.
Cũng trong ngày 13/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lặp lại cam kết của Berlin về tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine lên gần 9 tỷ USD vào năm tới.
“Ông Putin vẫn quyết tâm bắt Ukraine phải quỳ gối bằng vũ lực”, ông Scholz nói với Quốc hội Đức. “Và ông ấy đang trông cậy vào việc sự hỗ trợ quốc tế cho Ukraine suy yếu”.
Quang cảnh đổ nát do pháo kích ở thành phố Orikhiv, vùng Zaporizhia. Ảnh: Washington Post
Ngay cả khi Mỹ quay lưng lại với Ukraine – trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng và quay trở lại nắm quyền vào năm sau – thì “châu Âu cũng không thể làm điều đó”, bà Nathalie Tocci, Giám đốc viện các vấn đề quốc tế của Italy, cho biết.
“Tôi không thấy người châu Âu ngừng cố gắng hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi viện trợ của chúng tôi là không đủ”, bà nói.
Khi người Mỹ bước vào một cuộc bầu cử khó khăn, “châu Âu cần làm chủ sự hỗ trợ cho Ukraine” thay vì cảm thấy rằng “họ đang tham gia vào một chiến dịch của Mỹ”, ông Ulrich Speck, một nhà phân tích người Đức, cho biết. “Châu Âu cần phải chịu trách nhiệm. Mỹ sẽ không một mình làm tất cả mọi thứ nữa”.
Vào tối 14/12, người dân Kiev chào đón thông báo về quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập của EU với một tiếng thở dài nhẹ nhõm, mô tả đây là một tin tốt lành trong một giai đoạn u ám của đất nước.
“Đó là tín hiệu cho thấy chúng tôi không bị bỏ rơi”, cô Victoria Titova, 30 tuổi, nói trên một con phố phủ đầy tuyết ở trung tâm thủ đô Kiev. “Điều đó có nghĩa là đất nước này vẫn còn tương lai”.
Nhiều người Ukraine coi việc hội nhập vào EU là cách duy nhất để có được sự đảm bảo về nguồn hỗ trợ tiếp tục để chống lại Nga.
“Chỉ có EU có thể bảo vệ chúng tôi”, anh Slava Kosenko, 37 tuổi, nói. “Đó là cơ hội duy nhất của chúng tôi”.