Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến đông đảo người dân, người lao động. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, đại biểu cho rằng, tại điểm b khoản 1 Điều 64 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt, thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên...
Giáo viên mầm non không thuộc các trường hợp đã nêu tại điểm này. Do đó, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định chung. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, điều này chưa phù hợp, vì đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em từ 2-6 tuổi, đây là lứa tuổi khá hiếu động.
Trong suốt quá trình làm việc, giáo viên mầm non phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ, do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt thời gian trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Đại biểu cho rằng, điểm c khoản 1 Điều 64 Dự thảo luật nêu rõ, giao Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt, Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù vị trí nghề nghiệp, hoặc bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để áp dụng điều kiện nghỉ hưu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64.