Để hiện thực hóa ước mơ, bà không ngại khó, vượt qua trở ngại tuổi tác để chinh phục tấm bằng đại học.
Tiếp nối ngọn lửa nghề giáo
Tốt nghiệp đại học ở tuổi “thất thập”, bà Lựu không giấu được niềm vui mừng khi ước mơ đã trở thành hiện thực. “Tôi rất vui và tự hào vì đã hoàn thành xong chương trình học để có tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Dược mà mình yêu thích”, bà Lựu chia sẻ. Điều khiến nhà trường, giảng viên và sinh viên quý mến bà Lựu là ý chí và nghị lực vượt bậc trong học tập. “Quả ngọt” của sự nỗ lực là tấm bằng tốt nghiệp đại học Dược loại giỏi mà bà nhận được.
Bà Lựu tiết lộ, lý do khiến bà phấn đấu học tập chính là nghề giáo mà bà đã dành trọn tuổi thanh xuân để cống hiến. Cả cuộc đời gắn bó với nghề dạy học nên việc tiếp tục đi học ở tuổi nghỉ hưu đã giúp bà được tiếp tục sống trong không khí trường lớp, học trò. Bà Lựu kể, trước đây bà làm giáo viên dạy cấp tiểu học, sau khi về hưu bà đi học dược sĩ trung học rồi tiếp tục học lên bậc cao đẳng. Đến năm 2020 bà quyết định học lên bậc đại học để hiện thực hóa ước mơ trở thành dược sĩ và làm tấm gương để con cháu, học trò noi theo. Đặc biệt, việc học của bà có mục tiêu rõ ràng là để “theo kịp” ba người con đang công tác ở lĩnh vực y, dược.
Sinh sống tại xã Lợi Bình Nhơn (TP Tân An, tỉnh Long An), bà Lựu phải vượt quãng đường hơn 130km để học đại học. Cuối tuần, từ lúc 3 giờ sáng, bà Lựu khăn gói ra đường đón xe đò đi từ TP Tân An (Long An) đến TP Cần Thơ. Tuy tuổi cao, đường sá xa xôi, nhưng bà quyết tâm vượt khó và không vắng buổi học nào.
Nhớ lại hành trình đi học 4 năm qua, bà Lựu chia sẻ: “Việc học không khó, quan trọng là bản thân biết cố gắng, nỗ lực hết mình, đi học đầy đủ, tích cực nghe giảng và ghi chép. Bên cạnh đó tôi cũng dành thời gian chăm chỉ đọc sách, tìm ra phương pháp học phù hợp. Điều khiến bản thân tôi phấn chấn nhất chính là tình cảm mà thầy cô, bạn học dành cho. Tôi lớn tuổi nhất lớp, thậm chí là người có tuổi cao ở ngôi trường đại học, được thầy cô, mọi người rất yêu quý và sẵn sàng hỗ trợ trong việc học”.
Theo bà Lựu, một trong những động lực quan trọng nữa để bà học ngành Dược là hiện thực hóa ước mơ của người chồng quá cố. Bà Lựu nhớ lại, năm 48 tuổi chồng bà có nguyện vọng mở nhà thuốc để kiếm thêm thu nhập, vì kinh tế khi ấy rất khó khăn. Tuy nhiên, không may ông bị bệnh rồi qua đời, để lại ước mơ còn dang dở. Sau khi chồng mất, một mình bà tần tảo sớm khuya nuôi dạy ba người con ăn học. Nhờ sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó, các con bà học hành thành đạt, công tác trong ngành Y, Dược tại tỉnh Long An. Con cái yên bề gia thất, bà quyết định học ngành Dược để tiếp nối ước mơ của chồng. Sau khi về hưu (55 tuổi), bà Lựu đăng ký học dược tá ở tỉnh Tiền Giang, sau đó học trung cấp dược sĩ rồi học lên cao đẳng Dược.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lựu nhận bằng tốt nghiệp ngành Dược. Ảnh: NVCC
“Người ta làm được, mình làm được”
Học xong cao đẳng Dược, bà Lựu chuẩn bị hồ sơ, gọi điện tới nhiều trường để đăng ký nguyện vọng và cuối cùng chọn Trường ĐH Nam Cần Thơ. Do nộp hồ sơ trễ, nhà trường đã mở lớp ôn thi được 3 tuần nên bà chỉ còn 1 tuần để ôn luyện. “Để kịp cho việc học, tôi tức tốc đi xe khách đến Cần Thơ nộp hồ sơ dự thi, rồi vào lớp ôn tập ngay. Rất may, là một “học trò đặc biệt” nên tôi được thầy cô nhiệt tình hướng dẫn. Hết giờ học, tôi về tập trung học bài thật kỹ nên thi đỗ vào ngành Dược học khóa 8, hệ liên thông cao đẳng lên đại học”.
Hành trình 130km đi học rồi trở về vào mỗi cuối tuần gắn với bà Lựu ròng rã 4 năm qua. Đường xa, khối lượng bài học, bài tập, thực hành nhiều có lúc khiến bà mệt mỏi. Nhưng bản thân bà luôn lạc quan tâm niệm: “Việc học tập là không có giới hạn, chỉ cần có mục tiêu, luôn quyết tâm và phấn đấu đến cùng. Dù tuổi tác đã ngoài 70 nhưng không có gì phải lo sợ, người ta làm được thì mình làm được. Tôi cũng cố gắng lấy được tấm bằng đại học để có thể hoàn thành ước mơ mở nhà thuốc. Nếu sức khỏe cho phép tôi sẽ học lên thạc sĩ. Các bạn trẻ hãy không ngừng việc học dù bằng cách nào bởi kiến thức là vô tận. Tôi đã làm được, các bạn hãy tự tin lên”, bà Lựu xúc động nhắn nhủ.
Nói về người “bạn học” đặc biệt này, sinh viên Phạm Hải Yến cho biết: “Cô Lựu vừa là sinh viên, vừa là bạn học đặc biệt của cả lớp em. Trong lớp, mọi người còn hay gọi cô là “má” hay “ngoại”. Mọi người rất cảm phục ý chí, quyết tâm học tập của bà. Vào lớp học cô hay chọn ngồi bàn đầu để tập trung chú ý và có những điều gì chưa rõ sẽ nhờ giảng viên, sinh viên cùng lớp giảng lại. Mỗi khi thấy cô Lựu phát biểu, trả lời đúng câu hỏi của giảng viên, cả lớp vỗ tay khích lệ. Mọi người đều lấy tấm gương của cô để làm động lực và sự quyết tâm để vươn lên trong học tập và cuộc sống của mình”.