Nữ giáo sư Toán học thứ 3 cũng là nữ Tiến sĩ Khoa học thứ 2 ở Việt Nam
Ngày 20/11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành Quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho 630 giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Đặc biệt ở ngành Toán học, bà Tạ Thị Hoài An (sinh năm 1972, quê Nghệ An), công tác tại viện Toán học - viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trở thành nữ Giáo sư Toán học thứ 3 trong gần 70 năm qua, sau GS.TSKH. Hoàng Xuân Sính được công nhận năm 1980 và GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn vào năm 2015.
Năm 21 tuổi, GS. TSKH. Tạ Thị Hoài An tốt nghiệp Trường Đại học Vinh loại xuất sắc và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Sau đó bà bảo vệ luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Hà Huy Khoái - nguyên viện trưởng viện Toán học, khi bước vào tuổi 28. Bà được phong học hàm Phó giáo sư năm 2009 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học (Habilitation) năm 2014 tại Đại học Clermont - Ferrand (Pháp). Bà An là người phụ nữ thứ 2 (sau GS.TSKH. Hoàng Xuân Sính) ngành Toán học ở Việt Nam nhận bằng Tiến sĩ Khoa học.
Trong thời gian học tập và làm việc, bà được nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới mời đến làm việc như trường Đại học Paul-Sabatier (Pháp, năm 1998), Đại học Grenoble (Pháp, năm 2000), viện Toán học, viện Hàn lâm khoa học Đài Loan (làm thực tập sinh sau tiến sĩ từ 2001-2004), Trường Đại học Essen (năm 2008), Đại học Clermont - Ferrand (Pháp, năm 2005, 2007, 2008, 2014), viện Field (Canada, 2008),… Bà được mời báo cáo tại nhiều hội nghị trong nước và quốc tế.
GS An trình bày báo cáo tại seminar của ĐH Clermont Ferrand, Pháp năm 2008. Ảnh: NVCC
Nhờ thành tích nghiên cứu của mình, GS An từng nhận nhiều tài trợ, danh hiệu danh giá như Giải thưởng viện Toán học cho nhà toán học trẻ xuất sắc (2009, giải thưởng được xét 2 năm một lần cho tất cả những nhà toán học dưới 40 tuổi, làm việc tại Việt nam); tài trợ Humboldt (Humboldt Research Fellowship for Experienced Researcher), Junior associate Member tại ICTP Italy (2004-2010)… Các nghiên cứu của GS An được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và được trích dẫn nhiều lần.
Trong nhận xét về luận án Tiến sĩ khoa học của bà, GS Min Ru (Mỹ) viết: "Tạ Thị Hoài An đã có những đóng góp quan trọng trong các hướng khác nhau của giải tích phức và lý thuyết số… Cô đã phát triển bản thân như một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Nghiên cứu của cô đã đạt đến mức chuyên nghiệp và các công trình của cô ấy có chất lượng rất cao". Còn GS. Waldschmidt (Pháp) nhận xét nghiên cứu của bà: "Thật hiếm có".
Là nữ giáo sư Toán học thứ 3 cũng là nữ tiến sĩ khoa học thứ 2 ở Việt Nam, GS An luôn trăn trở, suy nghĩ và muốn góp thêm tiếng nói của mình về vấn đề trao cơ hội cũng như có chính sách ưu tiên cho nữ giới trong công việc.
Bản thân GS An, khi con được 22 tháng tuổi, bà đã đem con theo sang Đức làm việc, rồi sang Pháp để bảo vệ Tiến sĩ Khoa học. Trong thời gian đó, bà vừa chăm con vừa viết luận án Tiến sĩ Khoa học nên hầu như mỗi đêm chỉ được ngủ vài tiếng. Vì thế, bà càng hiểu hơn về sự vất vả của phụ nữ làm khoa học.
GS An cùng con trai 22 tháng tuổi ở Đức. Ảnh: NVCC
Trên trang cá nhân của mình, GS An cho biết: "Phụ nữ luôn thiệt thòi hơn đàn ông. Về cơ chế sinh học, phụ nữ đã chịu mỗi tháng một tuần mệt mỏi, tức là họ mất ¼ thời gian trong cuộc đời học tập và làm việc. Về định kiến xã hội, phụ nữ ngoài 30 tuổi chưa có gia đình đi đâu cũng sẽ có người thắc mắc và lâu dần cũng sẽ gây áp lực. Về bản năng thiên phú, bản năng làm mẹ, làm vợ là rào cản cho phụ nữ tập trung 100% tâm trí vào công việc. Trong gia đình, phụ nữ chấp nhận lùi lại phía sau để chăm lo cha mẹ già, con nhỏ. Đối với các nhà khoa học, thời gian ở nước ngoài là làm việc hiệu quả nhất. Nhưng phụ nữ thường phải từ chối cơ hội hoặc phải mang con theo…".
Theo GS An, trên thế giới, rất nhiều quỹ tài trợ, xét duyệt các cơ hội học tập, làm việc. Họ có tiêu chí "ưu tiên phụ nữ", thậm chí một số còn yêu cầu khắt khe hơn là trong các chương trình hoạt động, dự án, đề tài phải đảm bảo số lượng nữ nhất định thì mới được xét duyệt… Ở Việt Nam, hầu như chỉ mới chạm đến quyền bình đẳng cho nữ giới.
GS Tạ Thị Hoài An tại Hội nghị ở Ấn Độ. Ảnh: NVCC
"Tôi rất hiếm khi thấy các tuyển dụng, tài trợ có câu "ưu tiên đối tượng nữ" trừ khi công việc đó phù hợp với nữ hơn. Tuy nhiên, một tín hiệu khá lạc quan là mọi người bắt đầu quan tâm thực sự đến điều này. Trong một số hội đồng tuyển chọn cán bộ của viện Toán, nếu hai ứng viên có thành tích ngang nhau, họ đã "ưu tiên phụ nữ". Vì vậy, là phụ nữ, hãy tự hào đón nhận và đấu tranh "quyền ưu tiên" để có cơ hội được bình đẳng trong học tập và làm việc", nữ Giáo sư Toán học thứ 3 của Việt Nam, chia sẻ.
Gia đình có truyền thống hiếu học của nữ Giáo sư Toán học Tạ Thị Hoài An
Sinh ra trong gia đình tri thức, vì vậy, việc học cũng đến với GS Tạ Thị Hoài An rất tự nhiên. Ông nội của GS An từng là hiệu trưởng cấp 1, cấp 2. Bố của bà là PGS ngành Toán, từng đi du học ở Nga. Anh trai học Đại học Bách khoa Hà Nội, em gái bảo vệ Tiến sĩ Toán tài chính ở Đại học Oslo, Na Uy. Mẹ của GS An là bác sĩ giỏi. Thời chiến tranh, bà tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội dưới sự hướng dẫn của GS. Tôn Thất Tùng. Bà đã từ chối làm việc ở một bệnh viện nổi tiếng ở Hà Nội để xung phong vào tuyến lửa Đức Thọ, Hà Tĩnh. Có ngày bà phải đứng mổ 24 tiếng dù mới sinh con dưới bom đạn Mỹ. Bà từng 2 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu.
Gia đình GS An có truyền thống hiếu học. Ảnh: NVCC
Để có được thành công hôm nay, GS An đã nhận được sự ủng hộ từ gia đình và đồng nghiệp. Được biết, động lực khiến bà nộp hồ sơ xét giáo sư năm nay là vì… nhớ bố. Bố của GS An vừa mất được hơn một năm và ở đâu đó, chắc chắn ông sẽ rất vui khi biết cô con gái của mình đã đạt được niềm mơ ước thay ông.
Bố của GS Hoài An là PGS ngành Toán học. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, có 3 người có ảnh hưởng đến khoa học của GS An. Người đầu tiên là GS.TSKH. Hà Huy Khoái, người hướng dẫn bà làm luận án tiến sĩ, đặt ra bài toán để bà bắt đầu bước vào con đường khoa học.
Người thứ hai là Giáo sư Julie Wang (viện Toán học Đài Loan), là người bảo trợ cho bà làm sau tiến sĩ. Trong thời gian 3 năm ở Đài loan, GS Tạ Thị Hoài An đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, nhận được nhiều sự động viên và lắng nghe từ GS Wang. Bà thực sự đã giúp GS An "thay đổi cả sự nghiệp".
Và thứ ba là vợ chồng Giáo sư Helene Esnault (Đức), người bảo trợ cho GS. An khi nhận tài trợ Humboldt, đồng thời cũng đã truyền cảm hứng làm việc cho bà.
GS An cùng GS JuLie Wang tại Đài Loan tháng 8/2023. Ảnh: NVCC
Sau khi được công nhận chức danh giáo sư, GS An tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu Toán học tại viện Toán học - viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. GS Tạ Thị Hoài An cũng thường xuyên chia sẻ câu chuyện tích cực về công việc, cuộc sống của mình trên trang cá nhân.