Tại hội nghị lão khoa quốc gia lần thứ 4 diễn ra ở Hà Nội hôm qua 10.11, PGS-TS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc bệnh viện Lão khoa trung ương, Phó chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết dự tính tới năm 2038 Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số. Dự báo số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và 25,2 triệu người năm 2069.
Theo PGS Trung Anh, già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
"Người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng. Họ là những người có kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để họ tiếp tục làm việc và không trở thành gánh nặng. Tuy nhiên thực tế, người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người trung bình chịu đựng trong 14 năm sau của cuộc đời nhiều bệnh tật phối hợp. Trong đó thông thường người trên 60 tuổi bình quân mắc 3 - 4 thứ bệnh. Đặc biệt, người trên 80 tuổi có thể mắc hơn 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc", PGS Trung Anh nêu rõ.
Bác sĩ Trung Anh cũng cho biết thêm, các nước phát triển rất quan tâm vấn đề sức khỏe cho người dân, đặc biệt là những người già. Người cao tuổi ở nước ngoài thường có sức khỏe tốt vì họ đã được giáo dục về cách chăm sóc bản thân và liên tục tập thể dục, tạo thành một thói quen để nâng cao thể trạng. Không những thế, họ thường có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và sớm khắc phục những bệnh liên quan đến bản thân thông qua việc thay đổi lối sống, sinh hoạt hay ăn uống...
"Còn tại Việt Nam thì rất ít người ở độ tuổi trung niên đi khám, tầm soát để biết mình bị tiền đái tháo đường hay có sự dao động về huyết áp không chẳng hạn. Do không được chuẩn bị tốt và phòng ngừa sớm để thay đổi chế độ sinh hoạt thì sức khỏe nhanh chóng giảm sút. Khi phát hiện bệnh thì hầu hết bệnh đã nặng, phải điều trị thường xuyên, tích cực. Chính vì thế tôi thường khuyến khích mọi người liên tục kiểm tra sức khỏe của mình, đặc biệt khi đến tuổi trung niên cần chăm sóc bản thân tốt hơn để giảm bớt gánh nặng do bệnh tật khi về già" - bác sĩ Trung Anh cho hay.
Các chuyên gia y tế cho biết chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần người trẻ
Tại Hà Nội, theo PGS-TS Hồ Thị Kim Thanh - Trưởng bộ môn Y học gia đình (Trường đại học Y Hà Nội), thủ đô có khoảng 250.000 người từ 75 tuổi trở lên, cần nhiều sự trợ giúp xã hội, y tế, chăm sóc nhất. "Ước tính riêng thủ đô cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão, trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ người cao tuổi", PGS Hồ Thị Kim Thanh nói.
Chính vì thế, nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam cần sớm thành lập bộ môn lão khoa tại các trường ĐH đào tạo về chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt cần phát triển tốt hơn nữa nhà dưỡng lão, việc chăm sóc y tế cho người dân. Theo các chuyên gia, trung bình một người cao tuổi mắc tới 7 thứ bệnh mạn tính, hầu hết phải điều trị suốt đời. Khả năng hồi phục sức khỏe kém đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt.
Tại Việt Nam, do sự phát triển kinh tế còn chậm nên những người già trên 60 tuổi không có lương hưu vẫn phải vất vả mưu sinh. Chính vì thế sự già hóa dân số đã tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Thực tế cho thấy chi phí y tế cho người già cao hơn từ 7 - 10 lần so với người trẻ và người cao tuổi cũng sử dụng tới hơn 50% tổng lượng thuốc được cung ứng cho thị trường. Việc tăng cường chuyên môn cũng như cơ sở vật chất và nhân lực trong điều trị và chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm đến của các cấp lãnh đạo.