Ngày 10-11, Quốc hội (QH) nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) và Luật Đường bộ. Đây là hai dự luật được tách ra từ Luật GTĐB mà tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV, đại đa số đại biểu (ĐB) bày tỏ ý kiến không cần tách. Tại kỳ họp này, đa số ý kiến ĐB đồng ý tách luật.
Đề nghị cân nhắc việc thổi nồng độ cồn
Tại thảo luận tổ, các ĐB dành nhiều thời gian góp ý dự án Luật TTATGTĐB. Trong đó có một số điểm nổi bật, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, Điều 8 dự án Luật TTATGTĐB quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Báo cáo thẩm tra cho thấy cần cân nhắc vì quy định này quá nghiêm khắc, chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục của một bộ phận người dân, ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Tuy vậy, vẫn theo báo cáo thẩm tra, cũng có ý kiến ủng hộ vì phù hợp với BLHS và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thảo luận tại tổ, Giám đốc BV Trung ương Huế Phạm Như Hiệp cho hay ông băn khoăn về quy định nói trên. “Nếu nói thế này thì tất cả phương tiện xe thô sơ, xích lô, xe kéo cũng có thể vi phạm. Chúng ta soạn cái khung cho luật khả thi, chứ người ta đi xe đạp, uống vô tí rượu rồi cũng bị phạt thì việc triển khai luật khá phức tạp” - ông Phạm Như Hiệp nói.
Mặt khác, thực tế có trường hợp buổi tối người dân uống rượu, sáng hôm sau đi làm trong máu vẫn có nồng độ cồn. “Cái này phạt cũng băn khoăn và thảo luận rất nhiều” - ông Phạm Như Hiệp nói và đề xuất có thể nghiên cứu quy định về nồng độ hoặc “ngưỡng” thế nào mới bị xử lý.
ĐB Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cũng đề cập đến các điều cấm trong dự án luật này và cho rằng việc xử phạt nồng độ cồn khi lái xe hiện rất nặng. Trên thế giới có quy định nồng độ cồn phải ở mức nào đó mới bị phạt.
ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho biết quá trình thẩm tra dự án luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. ĐB Vũ Xuân Hùng thông tin: Qua khảo sát 177 nước trên thế giới về quy định phòng, chống tác hại của rượu, bia, có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, cứ uống rượu, bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỉ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.
ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) lại cho rằng quy định như dự án luật “rất cần thiết” để hạn chế tai nạn giao thông phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, ĐB này cũng đề nghị nghiên cứu quy định mức độ sao cho phù hợp với từng loại phương tiện để phù hợp với thực tiễn.
Cần quan tâm sát hạch sau khi cấp giấy phép lái xe
Liên quan đến giấy phép lái xe (GPLX), ĐB Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng việc kiểm soát người được cấp GPLX sau sát hạch vừa qua còn bị bỏ ngỏ, không có biện pháp quản lý. Có trường hợp người lái xe bị tâm thần, nghiện ma túy, không đủ sức khỏe nên cần phải có biện pháp quản lý. ĐB Lê Nhật Thành cho rằng việc trừ điểm trên GPLX để đánh giá nhằm buộc người lái xe nâng cao ý thức, không đạt phải học lại, thi lại là giải pháp tốt.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi phát biểu tại tổ cũng đề cập vấn đề tách luật.
Ông Lâm nói: “Trước đây còn tranh luận có nên tách hai luật hay không, nay QH đã nhất trí với chủ trương này rồi. Tuy nhiên, vẫn còn ĐB băn khoăn, nhân đây tôi muốn nói đến một căn cứ pháp lý rất quan trọng để tách luật là Chỉ thị 23 ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, mới triển khai được mấy tháng”.
ĐB Nguyễn Tiến Nam (Đồng Nai) cũng cùng ý kiến và đề nghị bổ sung quy định tính điểm GPLX. “Trừ điểm không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Một số nước đánh giá việc chấp hành của tài xế, đến độ nào đó tích điểm tước GPLX” - ĐB Nguyễn Tiến Nam nói.
ĐB Nguyễn Tiến Nam trích số liệu cho hay trong 57,1 triệu GPLX hiện nay thì có 47,6 triệu GPLX mô tô, 9,5 triệu GPLX ô tô. Hiện cả nước có 340 cơ sở đào tạo lái xe, 137 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc các bộ, ngành, các tổ chức, tư nhân…
Theo ĐB Nguyễn Tiến Nam, ở từng khâu vẫn đang nổi lên những vấn đề tồn tại, hạn chế lớn như: chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát thực tế; việc giáo dục đạo đức văn hóa người lái xe còn bị coi nhẹ. Đặc biệt, qua một số vụ án công an phát hiện liên quan đến các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thời gian qua cho thấy có hàng chục ngàn trường hợp học viên không học lý thuyết; nhiều cơ sở đào tạo lái xe cắt giảm thời gian học thực hành kỹ năng lái xe; việc tổ chức sát hạch còn hình thức, dễ dãi.
“Điều này dẫn đến tình trạng không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, vượt qua kỳ sát hạch và được cấp GPLX nhưng lại không được đào tạo đầy đủ theo quy định” - ĐB Nguyễn Tiến Nam nói.
Ở góc độ khác, ĐB Vi Đức Thọ (Sơn La) băn khoăn về “điều khoản chuyển tiếp” trong dự luật. Theo đó, dự luật dự kiến quy định GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX theo lộ trình. ĐB Vi Đức Thọ cho rằng các GPLX thuộc phạm vi trên chủ yếu là GPLX máy không thời hạn, số lượng rất lớn, nếu bắt buộc phải đổi có thể gây lãng phí.
ĐB Tống Văn Băng (Hải Phòng) cũng nhận định việc đổi GPLX nói trên dù thu phí hay đổi miễn phí thì cũng là tiền ngân sách, tiền thuế của người dân nên cần cân nhắc.