Vì sao bạo chúa Tần Thủy Hoàng luôn xưng hô là “Trẫm”?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo các nhà nghiên cứu, cách xưng hô ’Trẫm’ được Tần Thủy Hoàng sử dụng với ý nghĩa sâu sa. Về sau, nhiều hoàng đế của các triều đại sau học theo Tần Thủy Hoàng và sử dụng từ tự xưng này.
Vì sao bạo chúa Tần Thủy Hoàng luôn xưng hô là “Trẫm”?
Ảnh minh họa.

Tần Thủy Hoàng (259 trước Công nguyên - 210 trước Công nguyên), tên thật là Doanh Chính, là vị vua thứ 36 của nước Tần. Ông là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến quốc vào năm 221 trước Công nguyên.

Lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi, Doanh Chính trở thành hoàng đế năm 38 tuổi. Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời nhà Thương và nhà Chu, Vua Tần muốn đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa và chứng tỏ nhà Tần còn vĩ đại hơn các triều đại trước nên đã tự tạo ra một danh hiệu mới là "Hoàng đế".

Doanh Chính tự gọi mình là Thủy Hoàng đế. Người đời sau thường gọi ông là Tần Thủy Hoàng.

Không chỉ lưu danh sử sách với tài trị quốc, cầm quân đánh trận, Tần Thủy Hoàng còn gây dấu ấn với việc tự chọn cho mình một cách xưng hô là "Trẫm".

Theo các nhà nghiên cứu, cách tự xưng "Trẫm" nhằm thể hiện Tần Thủy Hoàng là một hoàng đế vĩ đại, đạt được thành tựu vượt trội so với các vị vua trước đó.

Từ "Trẫm" xuất hiện sớm nhất vào thời kỳ người Trung Quốc xưa sử dụng Giáp cốt văn (văn tự, chữ viết khắc trên xương cốt động vật). Tuy nhiên, ở giai đoạn này, “Trẫm” là cách gọi tự xưng phổ biến mà tất cả mọi người ở mọi tầng lớp xã hội đều có thể sử dụng.

Tuy nhiên, "Trẫm" thường được nhóm người có quyền lực, giàu có và địa vị thường xuyên sử dụng hơn. Đến cuối thời kỳ Chiến quốc, từ "Trẫm" dần không được sử dụng phổ biến. Thay vào đó, người dân sử dụng cách gọi tự xưng là "Ngã" và "Ngộ" (cả hai từ đều mang ý nghĩa: tôi, bản thân).

Sau khi thống nhất đất nước và nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, Tần Thủy Hoàng đã chọn dùng từ "Trẫm" - cách gọi tự xưng không còn phổ biến trong dân gian khi xưa. Theo ông hoàng này, cách tự xưng "Trẫm" vừa thể hiện sự đặc biệt của bản thân vừa khiến dân chúng dễ nhớ hơn. Từ đó về sau, từ "Trẫm" trở thành cách tự xưng duy nhất của hoàng đế.

Sau khi Tần Thủy Hoàng tự xưng là "Trẫm", mọi người dân ở tất cả tầng lớp trong xã hội đều không được phép sử dụng từ này để tránh phạm vào đại kỵ. Nếu người nào tự xưng là "Trẫm" mà không phải là hoàng đế thì sẽ bị trừng phạt nặng, thường phải trả giá bằng tính mạng.

Trong những triều đại tiếp theo, nhiều hoàng đế học theo Tần Thủy Hoàng khi tự xưng là "Trẫm". Nhờ vậy, cách tự xưng này của bậc đế vương được lưu truyền qua nhiều thế kỷ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật