Điều khiến Tào Tháo chỉ có thể làm “người xấu”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lai lịch bất minh, sống trong thời đại không tốt, vận mệnh Tào Tháo là như vậy… là những điều khiến Tào Tháo chỉ có thể làm ’người xấu’.
Điều khiến Tào Tháo chỉ có thể làm “người xấu”
Tạo hình nhân vật Tào Tháo trong phim Tam quốc diễn nghĩa, 2010.

Số phận đã định, Tào Tháo chỉ có thể làm “người xấu”.

Tào Tháo, tự Mạnh Đức, tên cúng cơm là A Man, người huyện Tiều nước Bái, nay là thị trấn Bạc Châu, An Huy. Tam quốc chí của Trần Thọ nói, Tào Tháo là hậu thế của Tào Tham, tướng quốc thời Tây Hán, nói thế là sai. Vì Tào Tháo vốn không phải họ Tào. Tào Tung, cha của Tào Tháo chỉ là con nuôi của Tào Đằng.

Tào Tung và Tào Đằng không có quan hệ huyết thống thì dù có chứng minh rõ, Tào Đằng là đời sau của Tào Tham, cũng có liên can gì đến Tào Tháo? Sự thực thì, cha mẹ đẻ của Tào Tung cuối cùng là ai, đến nay vẫn còn là câu đố, ngay cả Trần Thọ cũng chỉ có thể nói “không thể biết ai đã sinh ra họ”. Tào Tháo nói biết cha mẹ đẻ của mình là ai, vẫn chỉ là “lai lịch bất minh”.

Tào Tháo sống trong thời đại không tốt.

Tào Tháo sinh ra và lớn lên ở hai triều Hán Hoàn đế, Hán Linh đế, ra đời vào năm 155 Công nguyên, năm Vĩnh Thọ thứ nhất thời Hoàn đế, năm 174 Công nguyên, năm Hy Bình thứ ba thời Linh đế Tào Tháo ra làm quan; hai triều Hoàn - Linh được coi là thời đại hỗn loạn nhất, đen tối nhất trong lịch sử bốn trăm năm vương triều Hán.

“Thời kỳ Hoàn - Linh” là cụm từ chỉ thời kỳ vua tối quan gian này, muốn làm “người tốt” trong thời đại này là quá khó. Không bị hãm hại cũng bị chèn ép, Tào Tháo không chỉ không muốn bị hãm hại, cũng không muốn bị chèn ép, đương nhiên phải làm “người xấu”. Tóm lại, Tào Tháo sinh không gặp thời, lai lịch bất minh, thực quá đen đủi.

Trong thực tế, thời đại của Tào Tháo khác hẳn với thời đại của Hạng Vũ. Giả sử Tào Tháo sinh trưởng gặp thời, cũng chưa hẳn đã làm được gì. […]

Vận mệnh Tào Tháo là như vậy.

Vận mệnh của Tào Tháo như đã được quyết định từ trước. Con người Tào Tháo lúc nhỏ chừng như là “thiếu niên có vấn đề”, nhiều chỗ giống với Lưu Bang, Hạng Vũ thuở nhỏ, có điều Tào Tháo thích đọc sách hơn hai người kia.

Sử sách nói, lúc nhỏ Tào Tháo “thích ưng bay chó chạy, phóng đãng vô độ”. Người chú không vừa mắt khi thấy cảnh đó, thường nhắc nhở Tào Tung phải thường xuyên trông nom thằng bé này, Tào Tháo biết chuyện, liền nghĩ quỷ kế để đối phó với ông chú lắm chuyện. Một hôm, Tháo nhìn thấy ông chú từ xa đi tới, liền vờ méo miệng xệch môi.

Chú đến hỏi vì sao, đáp đột nhiên trúng gió. Lập tức người chú đến báo với Tào Tung. Lúc Tào Tung gọi Tào Tháo đến xem, đã chẳng thấy có chuyện gì. Nhân đó Tào Tháo nói thêm, làm gì có chuyện con trúng gió! Có thể chú không thích con nên mới nói bừa như vậy! Đã có chuyện “sói đến rồi” làm vật đệm, từ đó về sau người chú có nói gì đi chăng nữa, Tào Tung đều không tin.

Thực tình thì Tào Tung không quan tâm nhiều đến việc dạy dỗ đứa con này. Tào Tháo làm thơ nói: “Ký dĩ tam tỉ giáo, bất văn quá đình ngữ” (dịch nghĩa: Chưa từng được nghe dạy dỗ về “tam tỉ”, cũng chưa từng được nghe về “quá đình”), “tam tỉ” là nói mẹ thầy Mạnh Tử, đã rời nhà đến ba lần, để con có hoàn cảnh tốt, còn “quá đình” là nói, con Khổng Tử hai lần đi qua sân, đều bị cha gọi lại để giáo dục, lần một bảo con học Thi, lần hai bảo con học Lễ.

Xem ra, từ nhỏ Tào Tháo không được cha mẹ dạy bảo, là con nhà không mấy gia giáo. Vì thế, Tào Tháo “chơi bời phóng đãng, không màng sự nghiệp”, không khác mấy với Lưu Bang lúc trẻ “rượu chè trai gái”, “không nghĩ chuyện làm ăn, gia đình”.

Một đứa trẻ thích chơi những trò ác như vậy, hẳn nhiều người sẽ không thích, họ xem thường Tào Tháo. Nhưng Thái úy Kiều Huyền lại nói Tào Tháo là “tài giỏi nhất đời”, bình định thiên hạ sau này, chính là Tào Tháo. […]

Trở thành nhân vật, là tố chất; ở vào thời nào lại là vận khí.

Vận khí Tào Tháo không tốt, Tào Tháo ở vào thời loạn, là gian hùng, e đó là điều định sẵn. Thực tình thì ngay từ đầu, Tào Tháo đã muốn là năng thần. Năm 174 Công nguyên, hai mươi tuổi, Tào Tháo được cử là “hiếu liêm”. Hiếu là hiếu tử, liêm là liêm sỉ, có được xưng hiệu đó là có được bước thứ nhất vào chốn quan trường, giống ngày nay có bằng cấp là có khả năng thi làm quan chức.

Ít lâu sau, Tào Tháo được bổ nhiệm làm Bắc bộ úy thành Lạc Dương, phụ trách trị an phía bắc thành Lạc Dương. Là chức quan không to (bổng lộc 400 thạch), quyền không lớn, nhưng trách nhiệm lại rất nặng, rất nhiều phiền hà. Dưới chân thiên tử, quyền quý đông đúc, đố ai dám đụng tới họ! Nhưng công việc trị an trên phần đất kinh đô không thể không duy trì. Nên vừa tới nhiệm sở, Tào Tháo đã thay mới toàn bộ viên chức nơi nha môn, cho làm nhiều chiếc gậy năm mầu, treo ở mỗi bên cửa lớn mười chiếc. “Ai phạm lệnh cấm, kể cả cường hào, đều bị đánh chết”.

Sau đó mấy tháng, quả nhiên có người tìm đến xin chết. Đó là chú của hoạn quan Kiển Thạc được Linh đế sủng tín. Ỷ thế có đứa cháu miệng thét ra lửa, hắn không thèm để ý tới lệnh cấm của Tào Tháo, ngang nhiên vi phạm lệnh cấm đi đêm. Tào Tháo rất tỉnh táo, lập tức cho lấy gậy năm màu đánh chết hắn. Đúng là giết một, hàng trăm người phải sợ, “kinh đô thu mình lại yên ổn không ai dám phạm”, tình hình trị an chuyển biến tốt,

Tào Tháo làm chấn động cả trong triều ngoài dã.

Chừng từ năm 174 xuống núi, năm 189 khởi binh, trong vòng mười lăm năm, Tào Tháo vẫn còn muốn là năng thần. Tào Tháo từng là Bắc bộ úy Lạc Dương, Tế Nam tướng (thành cổ ở phía đông huyện Lịch Thành, Sơn Đông ngày nay), Điển quân Hiệu úy… Trong đó, một lần bị miễn chức, hai lần từ quan, ba lần bị triệu làm Nghị lang. Trong chốn quan trường chìm nổi, Tào Tháo đã hiểu rõ mọi chuyện trong triều và quan viên. Tào Tháo thấy rõ, vương triều Đông Hán đã hết thuốc chữa, thiên hạ đại loạn không thể thay chuyển. Và dù không loạn lạc, thì triều đình và quan trường hủ bại kia cũng không cần có “năng thần trị thế”.

Tào Tháo từng dâng thư lên triều đình, nói hết mọi điều tệ hại, nhưng như cát lún xuống không có hồi âm. Là Lạc Dương úy, Tào Tháo hành luật nghiêm minh, đả kích cường hào; là Tế Nam tướng, Tào Tháo trị quan sạch dân, địa phương yên bình. Tất cả những điều đó, vẫn chưa đủ để có thể chỉnh đốn triều cương, thay đổi tình thế, cũng chưa thể có nhiều ảnh hưởng.

Mọi cố gắng của Tào Tháo cho vương triều sắp tàn lụi, đều như muối bỏ biển, chẳng nên công cán gì, đối với bọn quyền thần hoành hành bá đạo thì chỉ như châu chấu đá voi, trứng chọi với đá. Sở dĩ Tào Tháo còn chưa bị họa sát thân vì đằng sau còn có Tào Đằng chống đỡ.

Lúc này triều đình lại mượn cớ Tào Tháo “thông tỏ cổ học” nên nhiều lần để Tào Tháo nhận chức Nghị lang, nhàn rỗi có chức không quyền, triều đình không trọng dụng.

Một lần nữa, Tào Tháo không thể không nghĩ lại về chọn lựa con đường của đời mình.Xem ra, không thể là năng thần trị thế, đành phải là gian hùng vậy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật