Tin liên quan
Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập 4 vùng ở Ukraine vào Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO, tuyên bố Kiev đã là một đồng minh “trên thực tế” và yêu cầu một thủ tục gia nhập “được đẩy nhanh”. “Hôm nay, Ukraine đã đệ đơn gia nhập NATO. Chúng tôi đã nhìn thấy Thụy Điển và Phần Lan cũng đã bắt đầu tham gia liên minh quân sự này. Chúng tôi đang triển khai mục tiêu này bằng việc nộp đơn gia nhập và đẩy nhanh gia nhập NATO”, ông phát biểu.
Phản hồi về đề nghị này, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan cho biết Mỹ cam kết thực hiện chính sách mở về gia nhập NATO, nhưng bây giờ chưa phải thời điểm phù hợp để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine. “Ngay bây giờ, quan điểm của chúng tôi là, cách tốt nhất để chúng tôi hỗ trợ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, và quá trình ở Brussels nên được thực hiện vào một thời điểm khác”, ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 30/9 (giờ địa phương) tại Nhà Trắng. Cố vấn Jake Sullivan lặp lại những bình luận trước đó của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng tư cách thành viên đòi hỏi sự đồng thuận của toàn bộ 30 thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Về phía Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev coi việc Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO là động thái thúc đẩy cho sự khơi mào Thế chiến III.
“Động thái Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO không khác gì việc chính quyền Kiev đang yêu cầu đẩy nhanh tiến trình khiến Thế chiến III bùng nổ. Tôi cần phải nhấn mạnh quan điểm của bản thân rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiểu rõ điều này”, ông viết trên mạng xã hội Telegram.
Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã họp phiên bất thường theo yêu cầu của Mỹ và Albania lên án việc Nga sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine vào Nga. Nghị quyết đã không được thông qua do chỉ nhận được sự ủng hộ của 10 quốc gia, trong đó có Mỹ. Nga phản đối nghị quyết trong khi Trung Quốc, Gabon, Ấn Độ và Brazil bỏ phiếu trắng. Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ cho biết, Mỹ đang cân nhắc đưa nghị quyết này trình lên Đại hội đồng LHQ. Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, ông Trương Quân cho rằng, cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, coi trọng mối quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các bên và ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
Theo ông, cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo dài hơn 7 tháng, cuộc khủng hoảng này cũng như những tác động lan tỏa của nó đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng. Khủng hoảng có xu hướng ngày càng kéo dài và mở rộng gây lo ngại, Trung Quốc “quan ngại sâu sắc” về điều này. Bắc Kinh cho rằng, nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là nỗ lực hết sức thúc đẩy hạ nhiệt tình hình, dẫn dắt các bên sớm nối lại đàm phán ngoại giao, mở ra cánh cửa cho một giải pháp chính trị, đưa các mối quan tâm hợp lý của mỗi bên vào đàm phán, đặt lên bàn các phương án khả thi, nỗ lực để sớm ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh. Ông Trương Quân nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Ukraine phát triển đến nay là kết quả của sự tích tụ lâu dài và chồng chất các mâu thuẫn. Thực tế cho thấy, cô lập chính trị, trừng phạt và gây áp lực, châm lửa thêm dầu và đối đầu nhóm sẽ không mang lại hòa bình, mà chỉ làm trầm trọng thêm tình hình, khiến vấn đề trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động có thể làm leo thang căng thẳng và dành chỗ cho các cuộc đàm phán ngoại giao giải quyết vấn đề.
Trước đó, ngay sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine vào Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Vladimir Putin, khẳng định Washington sẽ không bao giờ công nhận điều này. Ông Joe Biden nhấn mạnh, Mỹ và NATO sẵn sàng bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định, Mỹ sẽ tập hợp cộng đồng quốc tế để vừa lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine, vừa buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Cùng với đó, Bộ Thương mại Mỹ đã giáng thêm đòn trừng phạt nhằm vào Nga.
Thông báo từ Bộ trên nêu rõ: “Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 14 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, 3 nhà lãnh đạo quan trọng trong cấu trúc tài chính, người thân của một số quan chức cấp cao và 278 nhà lập pháp Nga vì có liên quan tới các cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp về việc sáp nhập bốn tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk, Luhansk thuộc miền Đông và Nam của Ukraine vào Nga”. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một thông cáo sau đó nói rằng, có thể coi các lệnh trừng phạt mới “là lời cảnh báo của Mỹ và những nước thuộc Nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất (G7) dành cho các cá nhân, thực thể hoặc quốc gia nào ủng hộ Nga về mặt tài chính và chính trị trong nỗ lực thay đổi hiện trạng lãnh thổ của Ukraine”.