Tin liên quan
Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào một số công ty nằm bên ngoài Nga được lập ra năm nay để hỗ trợ các nhà cung cấp quân sự lớn của Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine. Trừng phạt cũng được mở rộng sang vợ con của các quan chức hàng đầu Điện Kremlin.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt trừng phạt với 14 nhà cung cấp quốc tế đã hỗ trợ cho chuỗi cung ứng quân sự của Nga, 109 thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và 169 thành viên của Hội đồng Liên bang Nga. Nhiều họ hàng của các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt, bao gồm vợ và hai con của Thủ tướng Mikhail Mishustin, vợ và các con của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Cũng trong ngày 30/9, Mỹ bổ sung bà Elvira Sakhipzadovna Nabiullina - thống đốc ngân hàng trung ương Nga và là cựu cố vấn của Putin, vào diện trừng phạt. Theo Bộ Tài chính Mỹ, bà Nabiullina chịu trách nhiệm giám sát nỗ lực bảo vệ Điện Kremlin khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp vùng Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga áp đặt hạn chế thị thực đối với Ochur-Suge Mongush, lính thuộc lực lượng Akhmat ở vùng Chechen (thuộc Nga) vì vi phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với một tù nhân chiến tranh Ukraine và 910 cá nhân. Bộ này cũng sẽ áp dụng hạn chế thị thực đối với các thành viên quân đội Nga, các quan chức quân đội Belarus và các tổ chức hoạt động thay mặt cho Điện Kremlin.
Cùng nằm trong loạt biện pháp trừng phạt mới của Washington, Bộ Thương mại Mỹ thêm 57 thực thể vào danh sách chế xuất khẩu. Bộ này một lần nữa nhấn mạnh rằng các quốc gia tìm cách hỗ trợ vật chất cho Nga và lĩnh vực quốc phòng của Belarus sẽ phải chịu trừng phạt.
Trước đó, cũng trong ngày 30/9, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ đồng ý từ 87-99%. Ông nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại các vùng do Nga kiểm soát và cử tri tại đây đa số đã đồng ý trở thành một phần của nước Nga. Trong khi đó, các cuộc trưng cầu dân ý này không được các nước phương Tây công nhận và chỉ trích là giả tạo, bất hợp pháp.
Hôm 28/9, chính quyền Biden công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 1,1 tỷ USD cho Ukraine, đưa tổng mức cam kết hỗ trợ của Mỹ dành cho quốc gia này lên hơn 16,2 tỷ USD kể từ khi chiến tranh nổ ra hồi cuối tháng 2.
Sau bài phát biểu của ông Putin về việc sáp nhập 4 vùng trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông sẽ nộp đơn "cấp tốc” để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).