Tin liên quan
Lý do khiến Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine
Tổng thống Putin ngày 30/9 đã ký các hiệp ước sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye) vào Nga. Ông Putin tuyên bố những người dân sống ở 4 vùng này đã trở thành "công dân của chúng tôi mãi mãi" và khẳng định Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ mới bằng "tất cả phương tiện sẵn có".
Người dân bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập vào Nga tại Donetsk. Ảnh: AFP
Về phần mình, Tổng thống Ukraine đã chỉ trích động thái của Nga, cảnh báo sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lại lãnh thổ và buộc Nga phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Còn Mỹ và các đồng minh châu Âu coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Theo giới phân tích, động thái này của Nga sẽ khiến tình hình chiến sự diễn biến phức tạp hơn và tạo ra trở ngại lớn đối với cuộc đàm phán giữa Moscow với Kiev nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị phù hợp.
Cây bút Matthew C. Mai của National Interest cho rằng, có 2 lý do khiến Nga nhanh chóng sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye có diện tích khoảng 100.000km2, tương đương 15% tổng diện tích Ukraine.
Thứ nhất, Nga nhiều khả năng muốn ngăn chặn Mỹ và đồng minh tăng cường hỗ trợ cho chiến dịch phản công của Ukraine. Sau khi Ukraine phát động song song 2 cuộc phản công lớn tại phía Bắc và phía Nam nước này, Nga đã phải rút quân khỏi nhiều địa điểm thuộc vùng Kharkov, tuy vậy quân đội nước này đã ngăn cản được đà tiến của lực lượng Ukraine tại Kherson. Sắc lệnh động viên một phần mà Tổng thống Putin ban bố hồi đầu tháng này là một phần trong nỗ lực củng cố quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Moscow đang chiếm giữ và củng cố các tuyến liên lạc khi mùa Đông đến gần.
Nếu như ở Kharkov, các lực lượng Ukraine có thể nhanh chóng áp đảo một số đơn vị Nga vốn có ít binh sỹ và vũ khí thì tại Donbass và Kherson, Kiev khó lòng vượt qua được các vị trí cố thủ của Nga. Moscow dường như đang đánh cược rằng Mỹ và đồng minh sẽ không muốn nguy cơ chiến sự leo thang có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân do vậy, thay vì chuyển giao thêm khí tài quân sự tiên tiến hơn, họ sẽ phải buộc Kiev chiến đấu với những loại vũ khí mà họ đã cung cấp cho đến thời điểm hiện tại.
Thứ 2, việc sáp nhập 4 khu vực này sẽ được coi là một phần thắng lợi của Tổng thống Putin trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Điều đó không chỉ giúp ông trấn an dư luận trong nước mà còn giúp Moscow có lý do để tránh giao lại lãnh thổ cho Ukraine trong bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai. Tổng thống Putin có lẽ cho rằng, các lực lượng Nga có thể khiến quân đội Ukraine suy giảm sức chiến đấu trong vài tháng tới và buộc Kiev phải tiến đến bàn đàm phán hòa bình cũng như phải chấp nhận điều khoản sáp nhập lãnh thổ của Nga.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, đây là bước chuẩn bị cho lệnh tổng động viên, có thể được ban bố sau khi Quốc hội Nga hoàn tất thủ tục pháp lý để sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, dự kiến vào đầu tháng 10 tới. Ông Ivan Fedorov – cựu Thị trưởng thành phố Melitopol do Nga kiểm soát cũng cho rằng, mục đích sau quyết định sáp nhập của Nga là để “huy động người Ukraine phục vụ cho chiến dịch quân sự”.
Xung đột đang ở giai đoạn nguy hiểm hơn bao giờ hết
Nhà phân tích Matthew C.Mai lưu ý, việc huy động thêm lực lượng dự bị có thể giúp Nga giành được lợi thế trên chiến trường trong thời gian tới. Nhưng điều đó không thể ngăn cản các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tăng cường viện trợ cho Ukraine, chẳng hạn như cung cấp thêm nhiều vũ khí tiên tiến hơn để giúp Kiev thu hẹp khoảng cách về năng lực chiến đấu với quân đội Nga.
Ukraine chắc chắn sẽ không đáp ứng yêu cầu của Moscow và từ bỏ cuộc chiến nếu Mỹ cùng đồng minh tiếp tục cung cấp cho họ một lượng lớn viện trợ quân sự. Đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu cho thấy Washington muốn rút chân ra khỏi cuộc chiến ủy nhiệm. Các quan chức trong chính quyền Biden cho biết họ đã cảnh báo Nga về “hậu quả thảm khốc” nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Nói cách khác một cuộc tấn công hạt nhân của Nga sẽ khiến Mỹ đáp trả mạnh mẽ. Các động thái ăn miếng trả miếng giữa Nga và Mỹ có thể dễ dàng vượt tầm kiểm soát và khiến cuộc xung đột tại Ukraine lan rộng.
Sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng không phải với Tổng thống Putin. Với tuyên bố này, nhiều khả năng sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán cũng như công thức chính trị nào có thể giải quyết những lo ngại về an ninh của cả hai bên để chấm dứt chiến tranh. Điện Kremlin sẽ không tự nguyện từ bỏ quyền kiểm soát đối với bốn khu vực vừa được sáp nhập, còn Ukraine tuyên bố sẽ không ngừng chiến đấu để giành lại vùng lãnh thổ đã mất.
Nga từng cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine và việc nước này sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine làm dấy lên câu hỏi Moscow sẽ phản ứng như thế nào trước các cuộc tấn công vào những khu vực này.
“Không ai biết ông Putin có thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Nhưng rõ ràng ông ấy vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho phương án này”, Thomas Pickering, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nhận định. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 30/9 cho biết Mỹ nghiêm túc trước các mối đe dọa hạt nhân từ Nga nhưng chưa thấy có dấu hiệu Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Giới phân tích cho rằng, chiến sự sẽ diễn biến khó lường, khi giờ đây Nga coi 4 tỉnh của Ukraine là lãnh thổ của mình. Về mặt lý thuyết, nếu Ukraine tấn công các khu vực đó thì đây sẽ là lần đầu tiên một cường quốc hạt nhân bị tấn công và có nguy cơ mất lãnh thổ.
Một câu hỏi khác là liệu Nga có tiếp tục theo đuổi mục tiêu mà họ đặt ra ngay từ đầu cuộc xung đột là giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Dobass hay không. Điện Kremlin đã tập trung vào Donbass kể từ giai đoạn 2 của cuộc chiến, song vẫn chưa rõ liệu Nga có để ngỏ khả năng chấm dứt giao tranh nếu giành được mục tiêu này hay không.
Theo cây bút Matthew C.Mai, cuộc chiến Nga-Ukraine đang ở giai đoạn nguy hiểm hơn bao giờ hết và rất khó hình dung điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tiến sĩ Volodymyr Artiukh, Đại học Trung Âu (CEU) tại Áo dự đoán, Nga sẽ tìm cách gia tăng hành động quân sự trong giai đoạn tháng 10 và tháng 11. Khi đó, khả năng ứng phó của Ukraine sẽ phụ thuộc vào tốc độ hỗ trợ vũ khí hạng nặng từ phương Tây. Còn với quân đội Ukraine, trước mắt, họ có thể tiếp tục phản công cũng như tiến hành các cuộc tập kích vào những vị trí và tuyến hậu cần của Nga trên các vùng lãnh thổ mà nước này vừa sáp nhập