Trong khi đó, sức tiêu thụ của người tiêu dùng thủ đô vẫn không giảm hoặc giảm không đáng kể.
Từ ba giờ sáng, lò giết mổ tập trung Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đã sôi động. Lợn đã qua giết mổ ùn ùn chất lên xe gắn máy, theo mối buôn tỏa khắp thành phố. Không khí tại đây không hề ảm đạm hơn ngày thường khi gần 70 lò mổ vẫn hoạt động hết công suất, mỗi lò khoảng 200 - 300 con. Quy trình chọn, giết mổ, đóng dấu và xuất hàng chỉ thực hiện trong nửa tiếng.
Đặc biệt, khâu kiểm dịch lại là khâu sơ sài nhất. Lợn sau khi chọn mua lập tức xuất bãi, chờ nhân viên thú y đến kiểm định đóng dấu. Tuy nhiên, việc kiểm định chỉ được thực hiện qua loa, sau đó “cộp” dấu là xong. 20 phút để mổ lợn với toán thợ “chuyên nghiệp”.
Càng về sáng, việc kiểm dịch càng trở nên lơ là. Khoảng 5h30, vẫn còn nhiều lò hối hả chọc tiết, giết mổ lợn, song việc đóng dấu hoàn toàn bị... quên lãng. Một tốp thú y viên gồm ba người vẫn túc trực tại sân chung của các lò mổ, song chỉ ngồi buôn chuyện rôm rả, quên mất nhiệm vụ.
Một mối buôn tên là Thu khoát tay cho biết: “Sáng trưng thế này rồi thì không đóng dấu cũng chả vấn đề gì. Lợn giết mổ ngon lành sạch sẽ, ra cổng lấy giấy kiểm dịch và nộp phí 5.000đ là xong”.
Quả thật, tại chốt kiểm dịch tại cổng chợ, việc đóng dấu được thực hiện chưa đầy một phút, khi có hàng chục xe máy chờ đến lượt. Nhân viên thú y chỉ đưa cho mối buôn một tờ giấy chứng nhận, thu tiền 5.000đ là xong.
Dù dịch lợn tai xanh đang hoành hành, song nhu cầu sử dụng thịt lợn không mấy giảm sút. Sáng 28.4, tại chợ Hôm (Q.Hà Bà Trưng), các sạp thịt vẫn tấp nập. Trong khi đó, sức mua mặt hàng giò, chả, ruốc giảm đáng kể. Nhiều người tiêu dùng “tẩy chay” các thực phẩm chế biến sẵn từ thịt lợn vì khó kiểm tra nguồn gốc.
Về vấn đề sử dụng thịt lợn hợp lý trong những ngày có dịch, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khuyến cáo: Virus tai xanh không hề có cơ chế lây nhiễm sang người như cúm gia cầm, nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm chọn mua và sử dụng những loại thịt tươi, ngon, không có mùi tanh hoặc mùi kháng sinh. Thịt lợn phải được sơ chế kỹ và nấu chín để đảm bảo sức khỏe và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiểm dịch “điếc không sợ súng”
Mặc dù dịch lợn tai xanh đã tấn công Hà Nội, song theo ghi nhận, hoạt động kiểm dịch tại các điểm giết mổ tập trung vẫn rất lơ là, chủ quan.