Tục giã bánh dày của đồng bào Mông ở Sơn La

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con đồng bào dân tộc Mông lại tấp nập, quây quần bên chiếc cối, chày để tạo ra những chiếc bánh dày xinh xắn, tròn trịa. Theo quan niệm của người Mông, bánh dày vừa để cúng tổ tiên trong ngày Tết, vừa là món ăn đãi khách quý đến chơi nhà.
Tục giã bánh dày của đồng bào Mông ở Sơn La
Bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trời, Mặt trăng là nguồn gốc sinh ra sự sống trên Trái đất này

Biểu tượng cho sự no ấm

Để tìm hiểu ý nghĩa về tục giã bánh dày trong ngày Tết, ngày Lễ của đồng bào Mông, PV Báo Nông thôn ngày nay/ Báo Điện tử Báo đã có cuộc trò chuyện với ông Sùng Giống Mua – Trưởng dòng họ Sùng ở bản Hua Ty (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).

Ông Mua chia sẻ: Theo tiếng Mông Trắng, bánh dày có tên gọi là “Dúa”. Bánh dày tượng trưng cho sự an lành của đất trời, sự no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu sau một năm lao động vất vả. Ngoài ra, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự chung thủy son sắt của những đôi trai gái người Mông.

Bánh dày là thứ không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết ngoài rượu thịt

Trong mâm cơm ngày Tết của đại gia đình người Mông thì bánh dày là thứ không thể thiếu ngoài rượu thịt. Ngày Tết, con cháu dùng bánh dày để cúng tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã nuôi nấng chúng con nên người. Ông cha ta đã phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để tạo ra hạt gạo (nguyên liệu làm bánh dày) nuôi chúng ta khỏe mạnh, lớn khôn như ngày hôm nay.

Loại bánh không nhân

Đang khéo léo nặn từng chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa Chị Vừ Thị Sinh – dân bản Hua Ty dừng tay, bảo: “Để tạo ra những chiếc bánh dày thơm ngon, dẻo, nhuyễn thì không phải ai cũng làm được. Cách là cũng rất kỳ công đấy! Đầu tiên, nguyên liệu làm bánh phải chọn những loại gạo nếp ruộng, nương thơm ngon không pha tạp. Sau đó, phải ngâm gạo qua đêm thì lúc giã mới nhuyễn được. Nguyên liệu để gói bánh dùng lá dong hoặc lá chuối rừng được rửa sạch và lau khô”.

Cũng theo chị Sinh, công đoạn giã bánh đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Cối, chày giã bánh phải được làm bằng những thân cây gỗ chắc, mịn thớ, có mùi thơm và khoét rỗng ruột để khi giã bánh không có mảnh gỗ bám vào. Khi giã, chày thường được ngâm bằng nước vo gạo để chống dính.

Trong các ngày Lễ lớn thường tổ chức cuộc thi giã bánh dày nhằm gìn giữ, phát huy phong tục tập quán của người dân tộc Mông

Những người tham gia giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai cao to, khỏe mạnh. Mỗi lần 2 người, những cánh tay cơ bắp thoăn thoắt đưa chày nâng lên hạ xuống sẽ làm mềm nhuyễn từng hạt xôi. Khi đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người tiếp theo thay nhau giã. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon vã bảo quản được lâu. Lưu ý, thời gian giã bánh càng nhanh càng tốt vì nếu giã lâu xôi nguội đi thì việc giã bánh sẽ khó nhuyễn và mịn.

Những bàn tay khéo léo lấy bánh dày ra khỏi cối của phụ nữ Mông

Khi xôi đã thật nhuyễn, thật mịn và quánh thành một khối là lúc các bà mẹ, chị em nhanh tay xếp lá, dùng bàn tay khéo léo của mình nặn ra những chiếc bánh tròn trịa. Để bánh khỏi dính vào tay và tăng độ thơm ngon của bánh, mọi người thường dùng lòng đỏ trứng gà xoa vào lòng bàn tay và sàng nặn bánh. Bánh dày đặc biệt ở chỗ không có nhân so với các loại bánh khác.

Đến với bà con đồng bào Mông vùng cao vào thời điểm dịp Tết cổ truyền đang cận kề này nhà nhà, người người đều ngâm gạo, đồ xôi để giã bánh dày. Những tiềng chày, tiếng cười nói âm vang lên làm không khí tết càng thêm náo nhiệt.

Vào mùa này, còn gì hấp dẫn hơn khi được thưởng thức chiếc bánh dày dẻo thơm nướng trên bếp than hồng hoặc cắt thành từng miếng rán bằng mỡ lợn của người Mông cùng với các lại đặc sản như rượu ngô, gà đen, lợn còi… trong ngày tết cổ truyền.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật