Hội thảo trên nhằm hỗ trợ cho chủ đề “Châu Á-Thái Bình Dương tự cường: Động lực tăng trưởng toàn cầu” của APEC trong năm 2013 với ba nội dung ưu tiên là thực hiện các mục tiêu về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng; và tăng cường kết nối khu vực.
Tại Hội thảo, PECC nhấn mạnh việc các nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản hiện đã có những dấu hiệu tích cực hơn, và mối lo ngại về sự suy thoái kinh tế đang chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, các nền kinh tế đang phát triển cần tăng cường thúc đẩy cơ sở hạ tầng để được hưởng lợi từ hội nhập khu vực, phù hợp với mục tiêu đẩy nhanh kết nối và mở rộng tự do hóa thương mại và đầu tư của các tổ chức khu vực như APEC hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như các cơ chế hợp tác thương mại đa phương mới đang hình thành như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) của ASEAN.
Báo cáo điều tra, nghiên cứu của PECC về tình hình và triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cho thấy các nền kinh tế lớn ở châu Á sẽ tăng trưởng yếu hơn trong 12 tháng tới, trong khi tỷ lệ lạc quan về kinh tế Mỹ tăng từ 30% năm ngoái lên 60%, và tăng từ 19,9% lên 55,4% với kinh tế Nhật Bản.
Đồng Chủ tịch PECC Don Campell cho biết mặc dù triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương so với thế giới nhìn chung là tích cực, song quỹ đạo tăng trưởng của khu vực đang là một vấn đề quan ngại, đòi hỏi tiếp tục thực hiện Chiến lược tăng trưởng APEC, đã được các nền kinh tế thành viên nhất trí tại Yokohama, Nhật Bản cách đây ba năm.
Hội thảo lưu ý thực tế là trong khi châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng kinh tế thì khoảng cách phát triển giữa các thành viên trong khu vực lại gia tăng. Các nền kinh tế đang nổi đang đối mặt với đòi hỏi tiến hành và đẩy nhanh cải cách cơ cấu, trong khi tiếp tục thực hiện liên kết và hội nhập với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Nghiên cứu của PECC cho thấy TPP có tiềm năng làm tăng GDP toàn cầu thêm 223 tỷ USD, và RCEP thêm 644 tỷ USD. Một khu vực hội nhập bao gồm TPP và RCEP sẽ đem lại mức tăng tới 1.900 tỷ USD. Tuy nhiên để có thể được hưởng lợi từ sự gia tăng này, các nền kinh tế đang phát triển phải có được sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, đào tạo, cơ sở hạ tầng, và cải thiện các dịch vụ cơ bản như nước, vệ sinh, điện. Một nền kinh tế sẽ khó tận dụng được những cơ hội do hội nhập đem lại nếu không có được những thiết chế mạnh trong nước.
Về hiệu suất thực hiện của các tổ chức khu vực trong ba năm qua, PECC đánh giá ASEAN đứng đầu, thứ hai là APEC. Đối với các sáng kiến hợp tác thương mại đa phương thì Cộng đồng Kinh tế ASEAN dẫn đầu, tiếp theo là TPP, và thứ ba là APEC.
Trong bối cảnh các vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang dậm chân tại chỗ, Hội thảo khuyến nghị các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh lần này tập trung vào năm vấn đề chính là đưa ra các sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực, thiết lập chiến lược tăng trưởng APEC, chống tham nhũng, thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, và giảm bất bình đẳng thu nhập trong khu vực.
PECC là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, thành lập năm 1980, bao gồm 26 thành viên, hoạt động với mục đích thúc đẩy hợp tác và đối thoại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Các nền kinh tế lớn châu Á sẽ tăng trưởng yếu hơn
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 1-8/10 tại Bali, Indonesia, Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) phối hợp với Diễn đàn châu Á Bác Ngao (Boao Forum for Asia) đã tổ chức cuộc Hội thảo “Kết nối và tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương.“