VN-Index giằng co, tăng 23 điểm
Giao dịch trên thị trường chứng khoán trong tuần vừa qua (6-10/5), cho thấy chỉ số VN-Index tăng mạnh vào phiên đầu tuần với hơn 20 điểm, sau đó trạng thái giằng co diễn biến xuyên suốt tới cuối tuần với 2 phiên giảm điểm vào cuối tuần và chốt phiên giao dịch ở mốc 1.244,7 điểm. Do chỉ số các phiên giảm thấp nên tính chung cả tuần, VN-Index tăng 23 điểm.
Thanh khoản thị trường phiên cuối tuần đạt 18.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với phiên trước đó. Giới chuyên gia cho rằng, thanh khoản kém cho thấy lực mua khá kém, trong khi nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán chốt lời ngắn hạn. Áp lực này khiến nhà đầu tư phải hạ giá cổ phiếu bán đáng kể.
Lực cản trở đà tăng đến từ nhóm cổ phiếu trụ như VPB (VPBank, HOSE) giảm 1,33%, VHM (Vinhomes, HOSE) giảm 1,47%, SHB (SHB, HOSE) giảm 1,28%, VIC (Vingroup, HOSE) giảm 0,88%, MSN (Masan, HOSE) giảm 0,84%,…
Thị trường phân hóa với sắc xanh nằm ở nhóm chứng khoán, dầu khí, thép, thiết bị điện và sắc đó thuộc về nhóm ngân hàng, bán lẻ và bất động sản.
Thị trường giằng co sau phiên tăng mạnh đầu tuần, nhóm cổ phiếu trụ tạo lực cản cho VN-Index (Ảnh: SSI iBoard)
Một số cổ phiếu lớn khác cố kéo đà tăng nhưng không thành, gồm: FPT (FPT, HOSE), PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE), ACB (ACB, HOSE),…
Song, dù sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường nhưng vẫn có gần 60 mã đi ngược với xu hướng, tăng trần. Các cổ phiếu này chủ yếu xuất hiện ở nhóm nhỏ với mã AAH (CTCP Hợp nhất, UPCoM) tăng 13,64%, APH (An Phat Holdings, HOSE) tăng 6,96%, ELC (Công nghệ - Viễn thông Elcom, HOSE) tăng 6,96%...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tân Phó Chủ tịch
Mới đây, UBCKNN đã bổ nhiệm Phó Chủ tịch đối với ông Bùi Hoàng Hải. Ông sinh năm 1976, quê quán Hưng Yên, chuyên môn thạc sĩ Chính sách công.
Ông từng làm việc tại Vụ Quản lý phát hành chứng khoán từ tháng 4/1997 và đảm nhiệm những vị trí sau: Phó trưởng Phòng Thẩm định 2; Phó trưởng ban, Ban Quản lý phát hành chứng khoán,…
Như vậy, bộ máy quản lý UBCKNN hiện gồm một chủ tịch là bà Vũ Chân Phương và 3 phó Chủ tịch gồm ông Phạm Hồng Sơn, ông Hoàng Văn Thu và ông Bùi Hoàng Hải.
Dự án "sống còn" của Novaland ghi nhận vi phạm
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khu đô thị Aqua City do Novaland (NVL, HOSE) làm chủ đầu tư có nhiều dự án, hạng mục vi phạm xây dựng, quy hoạch.
Cụ thể, các công ty của Novaland, Nam Long và Southern Golden Land nhận chuyển nhượng một phần dự án từ các dự án ban đầu thuộc các công ty thuộc Donacoop. Sau khi nhận chuyển nhượng, các doanh nghiệp kiến nghị được điều chỉnh tổng thể các quy hoạch chi tiết cho phù hợp tình hình, định hướng kinh doanh mới và được UBND tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương trong các năm 2019, 2020 và 2021.
Toàn cảnh dự án Aqua City (Ảnh: Aqua City)
Tuy nhiên trong quá trình thẩm định, tỉnh Đồng Nai nhận thấy các đồ án này chưa phù hợp với quy hoạch chung Biên Hòa, quy hoạch phân khu C4, vì vậy chưa đủ cơ sở để điều chỉnh.
Những năm gần đây, cơ quan chức năng của tỉnh này đã phát hiện, lập biên bản, ra quyết định xử phạt nhiều vi phạm tại các dự án thuộc Novaland. Điển hình như: dự án Aqua Dona có đến 9 hạng mục vi phạm được ghi nhận trong các năm 2021-2023 khi không đúng hoặc không phù hợp quy hoạch; dự án Aqua Waterfront City có nhiều tuyến đường cùng 25 dãy nhà (ngưng thi công) xây dựng không phù hợp quy hoạch; dự án khu đô thị Aqua City có 3 hạng mục không phù hợp quy hoạch chi tiết;…
Vướng mắc về pháp lý quy hoạch trên đến nay vẫn chưa được giải quyết xong, cộng với các vi phạm xây dựng sẽ càng làm cho quá trình gỡ vướng khó khăn thêm.
Vietnam Airlines hút dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài
Bất chấp thị trường, cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines, HOSE) duy trì trạng thái tích cực, thậm chí tăng mạnh từ lực mua của khối ngoại, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 1 lãi trở lại. Điển hình với phiên 9/5, tăng ở mức 5,58% lên 20.800 đồng/cp, cao nhất trong 2 năm qua. Vốn hóa thị trường tương ứng khoảng 46.000 tỷ đồng, tăng 70% so với đầu năm.
Cổ phiếu HVN giao dịch quanh vùng giá cao sau thời gian dài "ở ẩn" (Ảnh: SSi iBoard)
Quý 1/2024, hãng hàng không ghi nhận doanh thu gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong một quý từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành CTCP từ năm 2015.
Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao.
HVN hiện vẫn đang nằm trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) tại sàn HOSE. HVN còn đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi kết quả kinh doanh ghi nhận lỗ 3 năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu ở mức âm.
Cổ phiếu Viettel Global tăng mạnh nhất nhóm công nghệ
Trong 5 tháng đầu năm nay, cổ phiếu của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel - Viettel Global (VGI, HOSE) là mã có mức tăng mạnh nhất với gần 170%, từ 26.200 đồng/cp lên 69.600 đồng/cp.
Vốn hóa của VGI cũng từ đó xác lập kỷ lục, tăng gần 228% so với thời điểm này năm ngoái, đạt khoảng 221.849 tỷ đồng.
Việc kinh doanh khởi sắc năm 2023 và được duy trì sang quý I/2024, đã giúp giá VGI tăng vọt trong đầu năm nay. Cụ thể, trong quý 1, VGI thu về 7.907 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế là1.633 tỷ đồng, tăng bật 175% so với quý I/2023.
Nhận định và khuyến nghị
Chứng khoán BSC cho biết, VN-Index tiếp tục giằng co trước ngưỡng kháng cự 1.250 điểm, thị trường trải qua một đà hồi phục khá dốc và đang ở ngưỡng đã từng bị bán tháo mạnh. Nhà đầu tư nên thận trọng trong giao dịch những phiên tới.
Chứng khoán SHS thì cho biết, VN-Index trong ngắn hạn đã tiến tới gần vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm, áp lực bán xuất hiện. Nhà đầu tư được khuyến nghị, đối với ngắn hạn, không nên mua đuổi giá ở vùng hiện tại. Còn đối với trung hạn và dài hạn, nhà đầu tư nên duy trì nắm giữ danh mục và chờ nhịp điều chỉnh nếu muốn giải ngân thêm.
Chứng khoán TPS đánh giá, thị trường sẽ chuyển sang vùng giao động nhỏ từ 1.180 – 1.230 điểm sang 1.230 – 1.250 điểm và các phiên rung lắc, mua bán trái chiều có thể xảy ra nhiều hơn. Dù vậy, các nhà đầu tư có thể chú ý các nhóm ngành có sức duy trì khá tốt so với thị trường như ngành thép, bán lẻ, dầu khí, công nghệ.