Nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán từ giai đoạn cuối tháng 4 tiếp tục được nối dài sang tháng 5. Mặc dù vậy, áp lực chốt lời đã xuất hiện khi chỉ số tiệm cận lại vùng kháng cự mạnh cùng với tỷ giá USD có dấu hiệu nóng trở lại theo đà tăng của chỉ số chỉ số US Dollar Index (DXY).
*Tỷ giá nóng trở lại
Ngay phiên đầu tuần, VN-Index đã bật tăng mạnh hơn 20 điểm vượt mức 1.240 điểm. Đà tăng trong các phiên sau đó có phần chững lại, thị trường gần như đi ngang quanh vùng 1.240 - 1.250 điểm.
Áp lực chốt lời xuất hiện khi chỉ số tiệm cận lại vùng kháng cự mạnh cùng với tỷ giá USD có dấu hiệu nóng trở lại theo đà tăng của chỉ số DXY.
Tỷ giá giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ (USD/VND) trong nước vẫn nóng trong tuần qua.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa USD/VND là 24.271 VND, tăng 26 đồng so với ngày đầu tuần (ngày 6/5).Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.484 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.057 VND/USD.
Giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.184 - 25.484 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 27 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày đầu tuần (ngày 6/5).
Tại Vietcombank, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 25.154 - 25.484 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 37 đồng ở chiều mua vào và tăng 27 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần (6/5).
Trong một báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) , các chuyên gia cho biết, áp lực tỷ giá trong nước dự kiến sẽ kéo dài và dai dẳng hết quý II/2024, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chính thức cắt giảm lãi suất. Thanh khoản VND có thể sẽ bị kiểm soát chặt hơn và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ tăng lên. Điều này có thể sẽ tạo áp lực ngắn hạn lên đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các chuyên gia cho biết, thống kê cho thấy, mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2% thì thị trường chứng khoán thường xảy ra nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn
Thực tế, khối ngoại đã có 1 tuần giao dịch khá sôi nổi với hoạt động bán là chủ đạo. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 3.303 tỷ đồng trong tuần qua, áp lực bán xuất hiện mạnh trong 3 phiên giao dịch cuối tuần.
VHM bị bán ròng tới 2.503 tỷ đồng và là tâm điểm bán ròng của khối ngoại, tiếp sau đó là các cổ phiếu như: TCB bị bán ròng 380 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ FUESSVFL bị bán ròng 286 tỷ đồng...
Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ so với tuần giao dịch cuối tháng 4, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần giao dịch.
Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 755 triệu cổ phiếu tăng 17,5% so với tuần trước đó, tương đương 19.744 tỷ đồng tăng 19,2% về giá trị giao dịch.
Thực tế giao dịch cho thấy, áp lực chốt lời lan rộng ra nhiều nhóm ngành trong phiên cuối tuần qua. Tuy vậy, tổng kết lại vẫn là một tuần tăng điểm rất ấn tượng của chứng khoán Việt Nam; trong đó, cổ phiếu bật tăng mạnh là các nhóm vốn hóa trung bình và có mức lợi nhuận ấn tượng quý I/2024.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu phân bón tăng 7,62% so với tuần trước đó; hàng không tăng 7,15%, thép 6,11%… Đáng chú ý, tăng mạnh còn có nhóm cổ phiếu dệt may, với mức 11,66%, dù lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 của ngành này sụt giảm so với cùng kỳ.
Chốt tuần giao dịch từ 6-10/5, VN-Index tăng 1,94% lên mức 1.244,7 điểm. HNX-Index tăng 3,27% lên mức 235,68 điểm.
Mặc dù là tuần tăng điểm, nhưng áp lực chốt lời đã có tín hiệu xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần khiến VN-Index kiểm tra ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.250 điểm mà chưa thể chinh phục được mốc này.
“Ở thời điểm hiện tại, dù áp lực chốt lời gia tăng song lực cầu vẫn tương đối mạnh nên xu hướng đảo chiều giảm điểm chưa được xác nhận. Xác suất cao, xu hướng tích lũy, đi ngang sẽ chiếm ưu thế trong các phiên tới”, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) khuyến nghị.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Nội (SHS) cho biết, trong tuần vừa qua, thị trường đón nhận tin tích cực về việc Bộ Thương mại Mỹ nghe tranh luận về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên diễn biến giá vàng trong nước liên tục lập các kỷ lục mới và tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại cũng đã có những tác động nhất định tới tâm lý nhà đầu tư. “Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc thị trường tiếp tục tích lũy là hợp lý”, chuyên gia từ SHS nhận định.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae asset (Việt Nam) cho biết, tuần qua, áp lực bán tăng mạnh khi VN-Index vượt 1.250 điểm, sau nhịp hồi phục gần 100 điểm cũng là diễn biến được nhiều nhà đầu tư lo ngại và quan tâm trước đó.
Trong 2 phiên giảm điểm cuối tuần, diễn biến phân hóa đã xuất hiện giúp khá nhiều cổ phiếu tăng điểm tích cực vào cuối phiên. Diễn biến này được dự báo sẽ tiếp tục hiện hữu trong tuần sau.
Các mốc nhà đầu tư cần lưu ý trong tuần sau đó là mốc hỗ trợ 1.225 - 1.230 và mốc kháng cự 1.255 điểm. Trường hợp khả quan nếu VN-Index vượt mốc 1.255 điểm, nhà đầu tư cần lưu ý vùng kháng cự mạnh tại 1.275 - 1.280 điểm, Chứng khoán Mirae asset (Việt Nam) nêu quan điểm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần đi lên trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tích cực.
*Chỉ số Dow Jones tăng tám phiên liên tiếp
Chỉ số Dow Jones ngày 10/5 ghi nhận phiên tăng điểm thứ tám liên tiếp, trong bối cảnh chứng khoán Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều bởi số liệu về tâm lý tiêu dùng ảm đạm của Mỹ.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,3% lên 39.512,84 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% lên 5.222,68 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm chưa đến 0,1%, xuống 16.340,87 điểm.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan giảm mạnh 13% xuống 67,4 trong tháng Tư vừa qua, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm phát, thất nghiệp và lãi suất. Tuy nhiên, chuyên gia Sam Stovall của Công ty nghiên cứu CFRA Research cho biết, các nhà đầu tư đang kỳ vọng dữ liệu lạm phát được công bố vào tuần tới sẽ cho thấy sự cải thiện.
Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN phát
Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng theo tuần, nhờ những hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm cắt giảm lãi suất sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước đã bày tỏ nghi ngại về khả năng tăng lãi suất trong tương lai. Đáng chú ý, chỉ số Dow Jones đã ghi nhận mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái.
Nhìn lại tuần này, các chỉ số chính trên Phố Wall đã có những diễn biến khác nhau qua từng phiên, nhưng nổi bật nhất đó là chỉ số Dow Jones đã có chuỗi tám phiên tăng điểm liên tiếp.
Số liệu gần đây cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại trong tháng Tư đã làm tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng Chín tới. Nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya của ngân hàng Swissquote cho rằng Fed sẽ không thể cắt giảm lãi suất ngay lập tức, nhưng có cơ hội cao hơn để thực hiện động thái này sớm hơn so với dự kiến.
Bà Ozkardeskaya dự kiến khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Chín là 67%. Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý thời điểm này có phần nhạy cảm về mặt chính trị khi diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.
Chuyên gia Stephen Innes tại công ty quản lý tài sản SPI asset Management cho rằng tăng trưởng tiền lương yếu hơn và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ có thể xoa dịu một số lo ngại của Fed về việc thực hiện cắt giảm lãi suất vào mùa Hè này.
Giám đốc chiến lược thị trường của Công ty dịch vụ tài chính Ameriprise, ông Anthony Saglimbene nhận định, thị trường đang chờ đợi chất xúc tác tiếp theo để định hướng.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào ngày 14/5 và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày 15/5. Giới phân tích dự đoán báo cáo CPI tuần tới sẽ cho thấy lạm phát cốt lõi ở mức 3,6%, mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.