Tin liên quan
Đến hẹn lại lên, các nhà lãnh đạo thế giới đang tề tựu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Đức để thảo luận về chiến lược ngoại giao và quân sự. MSC hiện đã bước sang năm thứ 60, và sẽ diễn ra từ ngày 16-18/2 ở Munich, một trong những thành phố lớn nhất của Đức nằm sâu trong vùng Bavaria ở phía Nam đất nước.
Cuộc họp mặt an ninh hàng năm ở Munich quy tụ giới tinh hoa quân sự từ khắp nơi trên thế giới và được coi là “phong vũ biểu” của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Phủ bóng hội nghị năm nay vẫn là những sự kiện đang nóng, bao gồm xung đột Nga-Ukraine ở Đông Âu, khả năng ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, xung đột Israel-Hamas ở Trung Đông… Nhưng một báo cáo do Ban tổ chức MSC công bố trước thềm hội nghị cho thấy vấn đề di cư do chiến tranh và biến đổi khí hậu mới là nỗi lo hàng đầu của nhiều người.
Những vị khách nổi tiếng
Danh sách khách mời tham dự hội nghị năm nay ở Munich không được công bố, nhưng một số nhà lãnh đạo và ngoại giao nổi tiếng được cho là chắc chắn có mặt.
Theo GZero Media, bà Kamala Harris, “nữ phó tướng” của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với NATO sau khi ông Donald Trump gần đây đe dọa sẽ không bảo vệ các thành viên “không nộp phí” nếu cựu Tổng thống thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Munich, ngày 15/2/2024. Bà Harris là một trong những vị khách đầu tiên tới thành phố miền Nam nước Đức dự Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60. Ảnh: Frankfurter Rundschau
Với dấu mốc 2 năm ngày Nga đem quân vào Ukraine (24/2/2022 - 24/2/2024) đang cận kề, các cuộc tranh luận về mức độ tiếp tục hỗ trợ cho Kiev sẽ thu hút sự chú ý. Nga không được mời tham dự MSC, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có mặt để thu hút thêm sự ủng hộ từ các đồng minh.
Trước khi đến Đức dự MSC, vào ngày 16/2, nhà lãnh đạo Ukraine sẽ dừng chân ở Paris để ký một thỏa thuận an ninh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về viện trợ dài hạn, bao gồm hỗ trợ tái thiết và hỗ trợ quân sự, nhưng dự kiến sẽ không có cam kết gửi vũ khí.
Cùng ngày tại Đức, ông Zelensky sẽ gặp Thủ tướng Olaf Scholz. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, vào ngày 17/2, ông Zelensky sẽ phát biểu trên sân khấu chính của MSC và tổ chức một số cuộc gặp song phương bên lề hội nghị.
Ông Zelensky cũng sẽ gặp Phó Tổng thống Mỹ Harris, Tổng thống Séc Petr Pavel, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cũng như lãnh đạo các quốc gia và đại diện doanh nghiệp khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Cung điện Elysee ở Paris, ngày 14/5/2023. Ông Zelensky chuẩn bị ký một thỏa thuận an ninh song phương với ông Macron vào ngày 16/2/2024 tại Paris, trong khuôn khổ chuyến công du của nhà lãnh đạo Ukraine tới Đức và Pháp. Ảnh: AP/Fox News
Israel được đại diện bởi Tổng thống Isaac Herzog. Đi cùng ông Herzog sẽ là 3 con tin được giải cứu khỏi tay Hamas. Tổng thống Herzog đang lên kế hoạch cho một loạt cuộc đàm phán ngừng bắn và sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về cuộc tấn công của Israel vào một bệnh viện lớn ở Gaza (bệnh viện Nasser) hôm 15/2 trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng đối với sự an toàn của dân thường.
Theo Recorded Future News, khách tham dự cũng bao gồm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), Ngoại trưởng Anh David Cameron, Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné, hàng chục Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng khác, cũng như hầu hết người đứng đầu các cơ quan tình báo từ khắp nơi trên thế giới.
Vấn đề quan trọng hơn cả
Đài DW (Đức) dẫn một báo cáo gần đây của MSC cho thấy nhiều người lo ngại về vấn đề di cư do chiến tranh và biến đổi khí hậu hơn là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ở Đông Âu. Xung đột leo thang ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương liên quan đến Trung Quốc và đảo Đài Loan – nơi Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình – cũng gây quan ngại.
Binh sĩ Ukraine sau khi máy bay không người lái của Nga tấn công gần Bakhmut, vùng Donetsk, tháng 11/2023. Ảnh: AP/NBC News
Thế giới vào năm 2024 sẽ được đặc trưng bởi “xu hướng đi xuống trong chính trị thế giới, được đánh dấu bằng sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế”, ông Christoph Heusgen, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich (MSC), viết trong báo cáo công bố hôm 12/2, vài ngày trước khi hội nghị diễn ra ở Bavaria.
Trong cuộc khảo sát “Chỉ số An ninh Munich” được công bố trước MSC năm ngoái, xung đột Nga-Ukraine được đánh giá là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh, đặc biệt là ở 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7 – gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy).
Một chiếc thuyền nhỏ chở đầy người di cư đang được cứu tại La Restinga ở El Hierro, Quần đảo Canary, Tây Ban Nha, ngày 23/10/2023. Ảnh: The Guardian
Nhưng trong cuộc khảo sát năm nay – với 12.000 người tham gia đến từ các nước G7, cũng như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, “vấn đề di cư do chiến tranh và biến đổi khí hậu” giờ đây thậm chí còn được coi là quan trọng hơn cả. Có vẻ như những người được khảo sát vào tháng 10 và tháng 11/2023 đã quen với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
MSC cũng hỏi người Ukraine về “các điều kiện có thể chấp nhận được để ngừng bắn”, với 92% kêu gọi Nga rút hoàn toàn quân đội khỏi Ukraine, bao gồm cả Bán đảo Crimea. Chỉ 12% cho rằng có thể chấp nhận được nếu Crimea vẫn do Nga kiểm soát. Hơn 2/3 số người được hỏi muốn Ukraine nhanh chóng gia nhập EU và NATO.
Khói bốc lên trên Khan Younis ở miền Nam Gaza, ngày 13/2/2024. Ảnh: NY Times
Toàn cầu hóa “ngược”
Có tựa đề “Lose-Lose?” (Thua-Thua, hay “Lưỡng bại câu thương”) báo cáo năm 2024 của MSC tuyên bố rằng mọi người đều đang thua trong tình hình toàn cầu hiện nay.
Theo MSC, nguy cơ xảy ra xung đột toàn cầu từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt nếu Trung Quốc tấn công quân sự vào đảo Đài Loan, là rất lớn. Nhận thức về rủi ro xung đột quân sự trong khu vực này cũng đã tăng mạnh, đặc biệt là ở Nhật Bản, tiếp theo là Ấn Độ, Mỹ, Đức và Pháp.
Tại các quốc gia G7, “phần lớn người dân… tin rằng đất nước của họ sẽ kém an toàn và thịnh vượng hơn sau 10 năm nữa”, ông Heusgen cho biết. Một phân tích của cuộc khảo sát cho thấy người dân ở các nước G7 cho rằng Trung Quốc và các nước ở Nam Bán cầu sẽ tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của họ, trong khi quyền lực và ảnh hưởng của các quốc gia khác suy yếu.
Nhìn chung, sự bất mãn với tình hình kinh tế thế giới ngày càng gia tăng. Báo cáo của MSC nêu rõ: “Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn trong thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh, các chủ thể chủ chốt ở phương Tây, các chế độ chuyên quyền hùng mạnh và các nước ở Nam Bán cầu đều trở nên không hài lòng với hiện trạng – và phần của họ trong chiếc bánh”.
Toàn cầu hóa nói chung đã chuyển sang giai đoạn đảo ngược. Cạnh tranh và nhu cầu an ninh ngày càng tăng rõ ràng chiếm ưu thế trong thế giới ngày nay. Trên toàn cầu, sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị đã chôn vùi niềm tin rằng toàn cầu hóa theo định hướng thị trường sẽ dẫn đến sự phân phối lợi nhuận công bằng. Theo báo cáo, các nước đang ưu tiên “khả năng phục hồi và an ninh hơn là hiệu quả”.
Hành khách đi bộ ra khỏi Ga Nairobi ở Kenya năm 2021. Đây là một trong số nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ ở Nam Bán cầu. Ảnh: Xinhua
Những thay đổi chính trị mạnh mẽ trong vài năm qua được phản ánh trong cái mà báo cáo gọi là “thực tế kinh tế vĩ mô”. Dòng vốn phương Tây đang được chuyển hướng từ Trung Quốc sang các đối tác khác. Theo Báo cáo An ninh Munich, “Các dòng chảy thương mại cũng đang có dấu hiệu tái cơ cấu theo đường ranh giới địa chính trị”. Báo cáo này vẽ ra một bức tranh rất bi quan về mạng lưới trên toàn thế giới nói chung.
Tuy nhiên, Châu Âu và đặc biệt là Đức lại là một ngoại lệ. Báo cáo cho biết: “Các công ty Đức cũng tiếp tục đầu tư mạnh vào Trung Quốc, bất chấp tham vọng giảm thiểu rủi ro của Berlin. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đức vào Trung Quốc vẫn ở mức cao gần kỷ lục trong nửa đầu năm 2023”.
Trong khi đó, chính phủ Đức vẫn đang theo đuổi chính sách “giảm thiểu rủi ro” với Trung Quốc – nói cách khác là giảm sự phụ thuộc về kinh tế. Điều này bắt đầu từ đại dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng giữa Đức và Trung Quốc sụp đổ. Việc thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng lâu dài vào Nga đã tạo động lực cho chính sách này. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn chưa được phản ánh bằng những con số cụ thể.