Tin liên quan
Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đang khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày một căng thẳng. Trong một thông điệp mạnh mẽ gửi tới phương Tây, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố, việc tịch thu tài sản thuộc về nước khác bằng cách này hay cách khác đều sẽ có tác động đến nền kinh tế thế giới.
Ông đồng thời cảnh báo, Nga sẽ đáp trả bằng hành động pháp lý: "Lập trường của Nga rất đơn giản và rõ ràng. Phương Tây đang tìm cách chiếm đoạt tài sản của Nga. Đây là một nỗ lực hòng xâm phạm tài sản riêng và là bất hợp pháp. Nga sẽ đáp trả bằng hành động pháp lý phù hợp tất cả những ai tham gia vào việc đưa ra và thực hiện các quyết định đó. Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng các quyết định trưng thu tài sản thuộc sở hữu của người khác sẽ ảnh hưởng đến luật pháp, triển vọng phát triển kinh tế và môi trường đầu tư nói chung. Điều này có thể trở thành một cú sốc nghiêm trọng đối với những trụ cột của nền kinh tế thế giới”.
Quyết định thông qua hôm 12/2 của Hội đồng châu Âu đã làm rõ tình trạng pháp lý của thu nhập từ tài sản của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng, mở đường cho việc sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga phục vụ lợi ích của Ukraine. Cũng theo quyết định, các đơn vị nắm giữ tài sản của CBR bị đóng băng trị giá hơn 1 triệu euro (khoảng 1,1 triệu USD) sẽ phải hạch toán riêng số dư tích lũy do các biện pháp hạn chế của EU và phải tách bạch thu nhập liên quan tới số dư tích luỹ này.
Theo trung tâm lưu ký chứng khoán của Bỉ Euroclear, hiện nắm giữ nhiều tài sản bị phong toả nhất của Nga tại châu Âu, số tiền thu được ước tính lên tới hơn 4 tỷ euro mỗi năm. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định, đồng thời kêu gọi những nước ủng hộ tiến xa hơn.
Việc đóng băng và sử dụng các tài sản bị phong toả của Nga từ lâu đã là vấn đề gây chia rẽ tại châu Âu. Theo nhận định của tờ Foreign Policy (Mỹ), việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine có vẻ hấp dẫn nhưng có ảnh hưởng rất lớn. Đóng băng, thu giữ các khoản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đi kèm với những tác động về kinh tế, tài chính và địa chính trị cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Hơn nữa, việc "vũ khí hóa" các kênh tài chính phương Tây như Euroclear sẽ thúc đẩy sự phân mảnh tài chính. Đây cũng là lý do mà tới nay chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn do dự khi nói đến việc kiểm soát nguồn dự trữ của Nga. Washington muốn giảm bớt tác động tiềm ẩn mà một động thái như vậy sẽ gây ra.
260 tỷ euro (280 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR ) hiện bị đóng băng trong khu vực tài phán của các đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), tại EU và Australia. Trong đó, 2/3 tài sản bị đóng băng của Nga nằm ở EU.