Đáng thương hơn đáng giận
Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) vừa nhận được đơn xin rút khỏi quỹ của PGS.TS Đinh Công Hướng, thành viên hội đồng khoa học ngành Toán vì liên quan đến liêm chính khoa học.
Ông Hướng công tác tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM từ tháng 3/2023. Trước đó, ông là giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Quy Nhơn. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu Google scholar (học giả Google), PGS Đinh Công Hướng có trên 80 bài báo khoa học công bố quốc tế từ năm 2004.
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội toán học Hoa Kỳ, ông Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học.
Trong số này có 13 công trình ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 4 công trình ghi địa chỉ Trường ĐH Thủ Dầu Một.
Liên quan đến sự việc từng bán nhiều bài nghiên cứu gây xôn xao những ngày qua, tác giả PGS.TS Đinh Công Hướng trải lòng rằng khi đó, ông bán chất xám mong cải thiện đời sống.
Khảo sát trên Dân trí, khoảng 90% độc giả dành lời động viên ông Hướng bởi cho rằng đây là điều đau xót bởi nhiều nhà khoa học như ông vẫn còn chật vật mưu sinh, dù số lượng công trình nghiên cứu khoa học khá lớn.
"Tôi buồn vì những nhà khoa học tử tế nước ta còn nghèo, còn chật vật với cuộc sống mưu sinh, nguồn lực cho nghiên cứu khoa học nước ta còn thiếu.
Tôi mong sẽ có thêm nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kinh tế cho các nhà khoa học. Bởi nghiên cứu khoa học và giáo dục chính là mũi nhọn đưa đất nước giàu mạnh", một độc giả khác nói.
Độc giả Hải Nam cho hay, vì sao nhà khoa học phải làm thế này, một phần bởi chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học còn chưa xứng với công sức họ bỏ ra, đời sống của họ còn phải lo kinh tế, âu đó cũng là điều đáng thương hơn đáng giận.
Theo độc giả Anh Nguyễn: "Tôi làm công tác ở một viện nghiên cứu và phải nói thẳng, các nhà khoa học dởm rất nhiều.
Sự trọng dụng, đầu tư cho nhà khoa học còn rất kém, ai cũng có cuộc sống, gia đình muốn chuyên tâm cho khoa học mà không có tiền rất khó.
Nhà khoa học làm đề tài, quyết toán thủ tục xong rơi rớt chẳng còn lại là bao. Tôi nghĩ khoa học việt nam còn lâu mới cải thiện".
Nghiên cứu khoa học ở trường đại học (Ảnh minh họa: Hồng Hạnh).
Nên có luật để nhà khoa học được bán chất xám
Theo trả lời của ông Hướng trên báo Dân trí, Trường Đại học Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác. Trường chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở trong trường.
Còn khi ký hợp đồng làm việc tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, ông thấy có quy định rõ ràng và chế tài về vấn đề này, nếu vi phạm sẽ xử lý rất nghiêm, do đó ông an tâm công tác.
"Chuyện sai đúng trong sự việc đến đâu, thật sự tôi không biết phải nói thế nào lúc này. Tùy góc độ nhìn nhận của mọi người, còn bản thân tôi rất áy náy", ông Hướng nói với phóng viên Dân trí.
Về điều này, nhiều độc giả cho rằng, đúng sai liêm chính ở đâu, còn phụ thuộc đánh giá của cơ quan chức năng.
"Vấn đề cơ chế hiện nay còn bất cập, khiến chất xám nhiều nhà khoa học bị chảy ra ngoài.
Đơn giản như giáo viên bậc THCS, THPT các môn học chính, họ dạy thêm bên ngoài tràn lan, thu nhập của họ cao gấp mấy lần thu nhập chính trong trường, xã hội vẫn chấp nhận.
Còn tại sao nhà khoa học, khi không có yêu cầu cấm, họ bán công trình nghiên cứu để cải thiện thu nhập lại bị lên án"? một độc giả đặt câu hỏi.
Độc giả này cũng cho rằng, nên có luật để các nhà khoa học được "bán" chất xám của mình cho nơi cần một cách chân chính, miễn là nhà khoa học đó đóng thuế đầy đủ và dùng chính một phần thu nhập chân chính đó tái đầu tư cho nghiên cứu.
"Đọc bài viết phó giáo sư bán bài viết để cải thiện thu nhập, tôi thấy cay cay khóe mắt. Tôi cũng là dân chuyên toán suốt thời học phổ thông nhưng không theo nghiệp toán.
Thầy hợp đồng nghiên cứu với bên ngoài nhưng không vi phạm cơ quan nơi mình làm việc, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi nghĩ không có gì sai.
Rất nhiều người đã dùng chuyên môn của mình để có thêm thu nhập, không vi phạm Pháp Luật, quy chế cơ quan, tôi nghĩ đó là chính đáng", độc giả Ngô Thái Bình cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Phùng Khắc Trung cho rằng, khi Pháp Luật không cấm, nhà trường nơi ông công tác không cấm, ông không dùng nguồn lực nơi mình làm việc để tạo ra sản phẩm bán cho bên thứ 3, điều đó có thể thông cảm được.
"Nếu người đó bán cho người khác đứng tên để tham gia xét chức danh là việc hoàn toàn sai.
Nhưng nếu ông ta vẫn đứng tên của mình, chỉ ký hợp đồng lấy danh nghĩa là làm việc cho một cơ sở trường học, viện nghiên cứu nào đó, nếu cơ sở đó không có quy định nhân viên cơ hữu không được ký hợp đồng làm thêm, là chuyện không đáng để trách cứ.
Tôi làm khoa học là người cơ hữu của một cơ sở, nhưng đói quá, ngoài giờ tôi chạy xe ôm, giao hàng kiếm thêm nuôi vợ con, điều đó có phạm tội không?
Thay vì chạy xe ôm, người đó dùng thời gian làm nghiên cứu và bán sản phẩm nghiên cứu hợp pháp, không mạo danh cho các cơ sở có nhu cầu, tôi nghĩ không đáng phải lên án", độc giả Thái Bình phân tích.