Tin liên quan
"Điều đó làm tôi lo lắng", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, sau khi được hỏi liệu ông có lo ngại rằng Mỹ sẽ không thể cung cấp viện trợ như đã hứa cho Ukraine vì tình trạng hỗn loạn tại Điện Capitol hay không, theo Reuters.
Tuy nhiên, ông Biden cũng khẳng định rằng "phần lớn các thành viên Hạ viện và Thượng viện ở cả hai đảng nói rằng họ ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine".
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ sớm có bài phát biểu quan trọng để kêu gọi tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. "Tôi sẽ đưa ra các lập luận rằng việc Ukraine thành công hoàn toàn có lợi cho lợi ích của Mỹ; hoàn toàn có lợi cho chúng ta", ông nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị cần có nguồn ngân sách khác cho quỹ tài trợ Ukraine, nhưng không giải thích ý ông là gì.
Nhà Trắng chưa cung cấp thông tin chi tiết về bài phát biểu của ông Biden.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị lật đổ hôm 3/10. Ảnh: AP
Tuyên bố thừa nhận sự quan ngại của Tổng thống Biden được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Kevin McCarthy bị các đảng viên Cộng hòa bảo thủ lật đổ khỏi chức Chủ tịch Hạ viện, do liên quan đến các mâu thuẫn trong quá trình thông qua dự luật ngăn chặn Chính phủ đóng cửa hồi cuối tuần trước.
Ngày 30/9, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn chính phủ đóng cửa trong vòng 45 ngày (từ ngày 1/10 đến ngày 17/11). Dự luật bao gồm 16 tỷ USD hỗ trợ các nạn nhân thảm họa thiên tai, nhưng không bao gồm viện trợ bổ sung cho Ukraine hay ngân sách cho các thay đổi trong chính sách an ninh biên giới.
Tổng thống Biden đã kêu gọi các đảng viên Cộng hòa giữ lời hứa về việc viện trợ cho Ukraine thông qua một cuộc bỏ phiếu khác.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và kêu gọi các đồng minh hỗ trợ Kiev. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có khoảng 49,6 tỷ USD viện trợ quân sự.
Hồi tháng 8 năm nay, Tổng thống Biden đã đề nghị Quốc hội viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, những tranh cãi liên quan đến viện trợ cho Kiev là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán ngân sách giữa các nghị sĩ rơi vào bế tắc.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng các hạn chế về ngân sách có thể ảnh hưởng đến cả khả năng Mỹ cung cấp viện trợ cho Kiev và bổ sung kho vũ khí của chính mình. Hiện tại, Lầu Năm Góc chỉ còn 1,6 tỷ USD để bổ sung kho vũ khí gửi tới Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden có quyền gửi tới Kiev số vũ khí trị giá 5,4 tỷ USD.
Nếu các yêu cầu về các khoản tài trợ không được đáp ứng, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ buộc phải trì hoãn hoặc cắt giảm cung cấp cho Ukraine những khí tài quân sự "quan trọng và cấp bách" như vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái, các thiết bị phá hủy, trong bối cảnh Nga chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công mùa đông.
Hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer rằng Kiev có thể "thua trận" nếu không nhận được viện trợ kịp thời.