Nông dân Thái Lan khó tận dụng cơ hội từ giá gạo tăng mạnh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo chuyên gia, hệ thống trồng lúa hàng trăm năm tuổi Thái Lan đang chịu nhiều áp lực nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, tình trạng nợ không bền vững và sự thiếu đổi mới.
Nông dân Thái Lan khó tận dụng cơ hội từ giá gạo tăng mạnh
Hệ thống trồng lúa hàng trăm năm tuổi Thái Lan đang chịu nhiều áp lực nghiêm trọng. Ảnh: FoodNavigator-Asia.com

Giá gạo đã tăng lên gần mức cao nhất trong khoảng 15 năm qua sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ban hành quy định hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nông dân Thái Lan đáng lẽ là những người được hưởng lợi từ tình hình hiện nay.

Thế nhưng, theo ước tính của chính phủ, diện tích đất trồng lúa tại Thái Lan đã giảm 14,5% trong tháng Tám so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích này đang trên đà giảm xuống mỗi năm kể từ năm 2020.

Chuyên gia nông nghiệp Somporn Isvilanonda nhận định sự sụt giảm trong diện tích đất canh tác này có thể làm giảm sản lượng gạo của Thái Lan, từ đó làm trầm trọng hơn nữa tình trạng lạm phát thực phẩm ở nhiều nơi do tình hình hạn hán ở các nước sản xuất gạo lớn khác, cũng như ảnh hưởng đến hàng tỷ người tiêu dùng xem gạo là một loại lương thực thiết yếu. Theo công ty nghiên cứu Krungsri Research, năm 2020, Thái Lan xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo xát sang các nước ở khắp Trung Đông, châu Á và châu Phi.

Ông Somporn cho biết diện tích canh tác giảm là do không đủ lượng mưa và nước tưới tiêu. Theo dự đoán của chính phủ, tình trạng thiếu nước này có thể nghiêm trọng hơn vào năm 2024 khi hiện tượng thời tiết El Nino tăng cường. Ông Sonporn dự đoán sản lượng gạo của Thái Lan sẽ giảm khoảng 30% trong hai mùa vụ tới do tình trạng thiếu nước. Theo Văn phòng nguồn tài nguyên nước quốc gia Thái Lan, lượng mưa năm nay đã thấp hơn bình thường 18% và các bể dự trữ nước quan trọng mới chỉ đầy khoảng 54% sức chứa.

Các áp lực đối với ngành trồng lúa đang gây khó khăn cho những người nông dân với khối nợ lớn của mình, bất chấp hàng chục tỷ USD trợ cấp chính phủ suốt 10 năm qua. Nhiều gia đình đang chịu gánh nặng tài chính lớn sau khi vay mượn để phục vụ mùa vụ. Thái Lan là nước có mức nợ hộ gia đình thuộc hàng cao nhất tại châu Á. Năm 2021, 66,7% tổng số hộ gia đình làm nông của nước này mắc nợ.

Gạo là mặt hàng đóng vai trò trung tâm đối với Thái Lan. Gần một nửa đất nông nghiệp của nước này được dành để trồng lúa, với sự tham gia canh tác của hơn 5 triệu hộ gia đình, theo thông tin từ Krungsri.

Ông Sonporn ước tính Thái Lan đã chi 1.200 tỷ baht (33,85 tỷ USD) trong thời gian qua cho các biện pháp can thiệp về giá và thu nhập cho nông dân trồng lúa trong 10 năm qua. Nhưng ông cho biết Chính phủ Thái Lan chưa hành động đủ để cải thiện năng suất.

Năm 2018, theo số liệu của Nipon, nông dân Thái Lan sản xuất được 485 kg gạo/rai (1 rai = 1.600 m²), thấp hơn nhiều so với mức 752 kg và 560 kg lần lượt ở Bangladesh và Nepal.

Ông Somporn cho biết vốn đầu tư cho nghiên cứu lúa gạo của Thái Lan đã giảm từ mức 300 triệu baht 10 năm trước xuống còn 120 triệu baht được phân bổ cho năm nay. Theo chuyên gia này, các giống lúa của Thái lan đã cũ và đem lại năng suất thấp. Bên cạnh đó, ông cho biết nông dân chỉ được phép trồng các giống lúa được chính phủ cho phép và có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua nếu trồng các giồng lúa từ nơi khác, vốn có thể không phù hợp với điều kiện canh tác ở Thái Lan./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật