Theo mạng tin Bloomberg, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đang tìm cách trấn an các nhà đầu tư rằng tình hình tài chính của nước này đang được kiểm soát, khi thị trường lo ngại về việc thâm hụt ngày càng tăng có thể gây ra làn sóng bán tháo trái phiếu.
Chính phủ Italy đang có kế hoạch giảm mức thâm hụt ngân sách xuống dưới 4% GDP vào năm 2024, mặc dù chưa thống nhất về mục tiêu cuối cùng. Chính phủ đang hướng đến mức thâm hụt khoảng 5% GDP trong năm nay, so với mục tiêu trước đó là 4,5% GDP. Mức thâm hụt có thể lên đến trên 6% GDP do tác động của sáng kiến cải tạo nhà ở.
Để giúp đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Meloni và Bộ trưởng Giorgetti đang kỳ vọng Italy sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 1% trong năm tới, nhưng đây là nhiệm vụ không dễ dàng.
Italy hiện đang nỗ lực để kiểm soát tài chính trong bối cảnh kinh tế khó khăn trên khắp châu Âu và các nhà đầu tư mới tập trung vào khoản nợ 2.800 tỷ euro (3.000 tỷ USD) của nước này. Những lo lắng đó được phản ánh qua sự gia tăng lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Italy.
Theo một cuộc khảo sát do Bloomberg News thực hiện, các khó khăn kinh tế của Italy được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới, với dự báo tăng trưởng năm 2023 giảm xuống 0,9%, tiếp theo là mức tăng trưởng 0,7% vào năm 2024.
Nhiệm vụ ổn định tài chính của Thủ tướng Meloni trở nên phức tạp hơn do chính phủ cần phải tính đến khoản thâm hụt năm nay do tác động của chương trình Superbonus cấp tín dụng thuế cho chủ sở hữu tài sản các để cải tạo nhà liên quan đến năng lượng. Chương trình này đã tiêu tốn của Italy hàng tỷ USD.
Báo Il Sole 24 Ore đưa tin trước đó rằng mức thâm hụt ngân sách của Italy có thể lên tới 7% GDP trong năm nay. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Italy cho biết con số này không phù hợp với dữ liệu kinh tế hiện có.
Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất tiền gửi thêm 25 điểm cơ bản lên mức kỷ lục 4% vào ngày 14/9, lần thứ 10 liên tiếp, càng làm xấu đi triển vọng của nền kinh tế Italy.
Trong khi các bộ trưởng Italy đã công khai đề xuất thúc đẩy việc bán tài sản nhà nước và áp dụng thuế đối với lợi nhuận ngân hàng tăng thêm, họ hiện đang chuyển trọng tâm sang xác định xem liệu có thể rút lại các cam kết tài trợ cho các hoạt động Superbonus chưa bắt đầu hay không. Thủ tướng Meloni cho biết rằng giá trị khoản thu dự kiến từ tiền thuế tăng thêm của các ngân hàng chỉ dưới 3 tỷ euro.
Cả Morgan Stanley và Goldman Sachs Group Inc. trong tuần này cho biết mức tăng trưởng yếu hơn ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ kéo nguồn thu ngân sách giảm, làm đảo lộn thị trường và có thể chấm dứt sự khởi sắc của trái phiếu quốc gia Italy.
Trái phiếu của Italy từ lâu đã được coi là một trong những loại trái phiếu rủi ro nhất trong Eurozone do nợ công cao, nhưng đã được hưởng lợi rất nhiều từ biện pháp hỗ trợ của ECB được công bố vào năm ngoái nhằm kiểm soát chi phí đi vay ở các nền kinh tế khác nhau của khối.