Một thế hệ tỷ phú mới đang lên

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong thập kỷ qua, sự phát triển của công nghệ đã nuôi dưỡng một thế hệ tỷ phú mới - những người đã tích lũy được khối tài sản ’kếch xù’ chỉ trong quãng thời gian ngắn, thậm chí còn ’vượt mặt’ nhiều tỷ phú đầu tư giàu có từ lâu đời.
Một thế hệ tỷ phú mới đang lên
Ảnh minh họa.

Từ rất lâu về trước, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay cho vay được cho là những con đường hàng đầu giúp tích trữ khối tài sản khổng lồ. Những tỷ phú đầu tư hàng đầu thế giới hiện nay như Warren Buffett hay Steve Schwarzman là những minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm này. Nhưng giờ đây, thế giới đang thay đổi. Và trong làn sóng những tỷ phú mới đang lên, những người làm giàu nhờ công nghệ đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Tỷ phú công nghệ

Lấy một ví dụ đơn cử về số lượng tỷ phú công nghệ trên thế giới, trong danh sách tỷ phú năm 2023 do Forbes công bố hồi đầu tháng 4, có hơn 300 tỷ phú thành danh nhờ lĩnh vực công nghệ trên tổng số 2.640 tỷ phú thế giới. Trước đó, trong danh sách năm 2022, Forbes cũng liệt kê khoảng 350 tỷ phú công nghệ trên tổng số 2.668 tỷ phú toàn thế giới. Những con số này lớn hơn gấp nhiều lần số tỷ phú công nghệ được xếp hạng trong những danh sách từ khoảng 1 thập kỷ trước.

Thậm chí, nếu so về vị thế, các tỷ phú công nghệ hiện nay chiếm vị trí khá cao trong các bảng xếp hạng, như tỷ phú Jeff Bezos – người sáng lập Amazon, là tỷ phú giàu thứ 3 thế giới, hay tỷ phú Oracle Larry Ellison là người giàu thứ 4 thế giới trong năm 2023, trong khi “huyền thoại đầu tư” Warren Buffett chỉ xếp hạng 5 trong bảng xếp hạng năm nay.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của Bloomberg, tính tới ngày 12/5, có 69/500 tỷ phú thế giới là tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ, trong khi số tỷ phú tài chính là 58 người. Tốc độ làm giàu nhanh chóng và khối tài sản tích lũy khổng lồ là những bằng chứng rõ ràng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của của giới tỷ phú công nghệ chỉ trong ١ thập kỷ qua.

Theo xu hướng phát triển của thế giới trong tương lai, việc công nghệ phát triển như vũ bão và giúp hàng trăm, hàng nghìn doanh nhân công nghệ trở thành triệu-tỷ phú là điều hoàn toàn dễ hiểu. Điều đáng nói là sự phát triển nhanh đến “chóng mặt” của lớp tỷ phú mới mới so với những tỷ phú tài chính, những người thậm chí đã dành cả cuộc đời để tích lũy được số tài sản đáng kể.

Nói đến tỷ phú đầu tư, không thể không nhắc tới Warren Buffett, 92 tuổi, người được mệnh danh là “Nhà tiên tri của Omaha”, sở hữu tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway, hay ông trùm vốn cổ phần tư nhân như Stephen Schwarzman (76 tuổi) của tập đoàn Blackstone. Đây là những người đã xây dựng tài sản của họ thông qua các khoản đầu tư dài hạn và được coi là những “kim chỉ nam” trong giới đầu tư. Nhưng để so sánh, tỷ phú Warren Buffett hiện sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 113 tỷ USD, xếp hạng thứ 5 thế giới, còn Stephen Schwarzman có 29,4 tỷ USD tài sản và là tỷ phú xếp hạng thứ 50 trong bảng xếp hạng của Forbes, đứng sau nhiều tỷ phú công nghệ trẻ hơn.

Về bản chất, việc so sánh hoạt động tạo ra tài sản giữa tỷ phú đầu tư và tỷ phú công nghệ rõ ràng là khập khiễng. Bởi lẽ, với những người tham gia đầu tư hay cho vay, hoạt động này mang tính chất dài hạn và lợi nhuận thu được có thể đong đếm được, dù có phát triển đột biến. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ là không giới hạn và không ai có thể cân đo đong đếm một khi công ty nào đó bước tới ngưỡng phát triển đột phá. Ngoài ra, tốc độ phát triển nhanh chóng cũng dễ giúp các tỷ phú công nghệ tích lũy khối tài sản lớn trong thời gian ngắn hơn.

Bởi vậy, nếu chỉ nhìn vào những con số, không thể phủ nhận lĩnh vực công nghệ đã và đang trở thành một con đường làm giàu lý tưởng, một miếng bánh “béo bở” mà ai cũng muốn tranh giành. Đặc biệt, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) gần đây cùng những tiềm năng vô hạn của ngành này cũng đang thúc đẩy một “cuộc chiến” làm giàu mới.

Từ trái qua: Tỷ phú Mark Zuckerberg, Elon Musk và Jeff BezosNhững tỷ phú công nghệ “lai”

Sự phát triển của công nghệ cũng tạo ra một thế hệ siêu giàu mới, những người kiếm tiền nhờ áp dụng công nghệ vào các lĩnh vực khác, ví dụ như ô tô hay tài chính. Một trong những ví dụ hàng đầu là Elon Musk, người 2 năm liên tiếp giữ vị trí tỷ phú giàu nhất thế giới nhờ công ty xe điện Tesla. Công nghệ tự động đã giúp doanh nhân này có thời điểm sở hữu khối tài sản trên 300 tỷ USD và hiện vẫn là tỷ phú giàu thứ 2 thế giới với tổng tài sản đạt khoảng 180 tỷ USD, theo bảng xếp hạng của Forbes.

Bloomberg mới đây cũng tổng hợp lại những “gã khổng lồ” tài chính có sự phát triển vượt bậc trong thập kỷ vừa qua và cho ra kết quả đáng ngạc nhiên khi những doanh nghiệp nổi trội hầu hết đều là những công ty “lai” tích hợp công nghệ vào đầu tư tài chính. Khác với việc đầu tư truyền thống, các công ty “lai” đã tận dụng công nghệ để đưa ra quyết định siêu nhanh về việc định giá đầu tư, dự đoán xu hướng biến động cũng như thực hiện các khoản đầu tư một cách nhanh chóng. Những công ty đi đầu trong lĩnh vực này có thể kể tới công ty Citadel của Ken Griffin và Tập đoàn Quốc tế Susquehanna của Jeff Yass.

Ken Griffin, người sáng lập và giám đốc điều hành của Citadel, một công ty quản lý quỹ phòng hộ với 59 tỷ USD đầu tư vào cổ phiếu, thu nhập cố định và các chiến lược vĩ mô, hàng hóa, tín dụng và định lượng. Ông cũng thành lập Citadel Securities, một doanh nghiệp tạo lập thị trường toàn cầu, xử lý khoảng 40% tổng khối lượng giao dịch bán lẻ của Mỹ và được định giá 22 tỷ USD trong vòng gây quỹ vào tháng 1/2022. Tỷ phú Griffin đã kiếm được 4,1 tỷ USD từ quỹ phòng hộ của mình vào năm ngoái sau khi quỹ Wellington hàng đầu của Citadel mang lại lợi nhuận 38%. Ông được Bloomberg liệt kê là một trong những tỷ phú tài chính-công nghệ kiếm được nhiều tiền hàng đầu trong thập kỷ qua.

Đáng chú ý, CEO sàn giao dịch tiền điện tử Binance Changpeng Zhao cũng nằm thứ 3 trong danh sách xếp hạng của Bloomberg. Theo đó, tỷ phú Binance, 46 tuổi, kiếm được tiền nhờ tận dụng công nghệ và tạo ra sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới hiện nay với khoảng 120 triệu người dùng. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Binance gặp khá nhiều rắc rối với các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia về tính hợp pháp, không thể phủ nhận tỷ phú gốc Trung Quốc là một trong những doanh nhân nổi bật trong việc sử dụng công nghệ để làm giàu trong lĩnh vực tài chính.

Kết

Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai không xa, khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) dần len lỏi vào mọi mặt đời sống của con người, chắc chắn sẽ còn nhiều triệu phú, tỷ phú mới xuất hiện. Một thế hệ siêu giàu mới, với khối tài sản khổng lồ và sự nhạy bén với những cái mới, chắc chắn sẽ trở thành đối thủ “đáng gờm” với những tỷ phú truyền thống. Nhưng cũng nhờ sự xuất hiện của thế hệ “đang lên” này, thế giới sẽ sớm nhìn thấy sự dịch chuyển và thay đổi trên diện mạo của toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, từ bán lẻ, dịch vụ, đầu tư, hay cả F&B, tiêu dùng…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật