Cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House – mã TDH) tăng bốc đầu ngay sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) thông báo về việc chuyển cổ phiếu ra khỏi diện hạn chế giao dịch từ 25/5. Lý do được đưa ra là công ty đã khắc phục được nguyên nhẫn dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo Quy chế Niêm yết và Giao dịch chứng khoán niêm yết.
Tuy nhiên, cổ phiếu TDH vẫn tiếp tục nằm trong diện cảnh báo do lỗ lũy kế tính tới 31/12/2022 hơn 688 tỷ đồng.
Cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức bất ngờ tím lịm
Điều đáng nói, thị giá cổ phiếu này vẫn chỉ ngang "cốc trà đá" với 3.240 đồng/cp. Vốn hoá thị trường tương ứng 365 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.
Trước đó, cổ phiếu TDH bị hạn chế giao dịch khi chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần kể từ ngày 21/10/2021, do Công ty đã vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Ở diễn biến khác, vào ngày 19/05, TDH đã nhận được 9 quyết định từ Cục thuế TPHCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Theo đó, TDH bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, với tổng số tiền bị cưỡng chế gần 91 tỷ đồng.
Một năm trở lại đây, TDH đã không ít lần bị cưỡng chế thuế. Lần gần nhất là vào ngày 14/03/2023, TDH bị Cục thuế TP.HCM cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với số tiền cũng gần 91 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, Nhà Thủ Đức lỗ ròng 10,7 tỷ đồng trong khi đó cùng kỳ năm ngoái công ty đạt lợi nhuận 59,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính và chi phí quản lý đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Tại thời điểm 31/3/2023, lượng tiền mặt của doanh nghiệp này chỉ còn chưa đến 5 tỷ đồng.
Trên thị trường, giá cổ phiếu TDH biến động trong vùng 2,700-3,700 đồng/cp trong các tháng đầu năm. Kết phiên 24/05, TDH tăng trần lên mức 3,240 đồng/cp, tăng 16% so với đầu năm.
Nhận định phiên giao dịch 25/5, các công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm điểm trong các phiên kế tiếp trong bối cảnh áp lực điều chỉnh đang lấn át.
Công ty CK Đông Á (DAS) nhận định việc VN-Index giảm điểm với khối lượng bán tăng cao, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn biến động tiêu cực kéo giảm chỉ số chung, điểm sáng là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp vẫn được quan tâm mua vào. Khối ngoại tiếp tục có phiên bản ròng thứ ba liên tiếp với giá trị lớn. Sau hai tuần nỗ lực nhưng không vượt qua được kháng cự VN-Index 1,070 điểm, thị trường có rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, với hỗ trợ tiếp theo ở vùng VN-Index 1,030 điểm.
Công ty CK KB Việt Nam (KBSV) cũng đánh giá, sau nhịp tăng điểm với độ dốc khá thoải, việc xuất hiện 2 phiên giảm điểm liên tiếp với thân nến dài cho thấy áp lực điều chỉnh đang có phần lấn át. Mặc dù vậy về tổng thể, chỉ số đang vận động trong dải đi ngang kéo dài hơn 3 tháng nên cơ hội tăng/giảm trong ngắn hạn vẫn đang khá trung tính.