Tin liên quan
Bộ Ngoại giao Nam Sudan ngày 2/5 cho biết Tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) Mohamed Hamdan Dagalo đã nhất trí về mặt nguyên tắc lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày từ ngày 4/5.
Theo tuyên bố trên, Tổng thống Nam Sudan, ông Salva Kiir, nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn kéo dài hơn nữa cũng như tầm quan trọng của việc chỉ định các đại diện hòa đàm và lưu ý rằng hai bên đã nhất trí chỉ định các đại diện đàm phán.
Nam Sudan được xem là một trong những nước tổ chức các cuộc hòa đàm nói trên và nước này đã đưa ra đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Sudan.
Theo Bộ Y tế Sudan, hơn 500 người đã thiệt mạng và hơn 4.100 người bị thương do giao tranh. Hơn 2/3 bệnh viện của nước này đã không thể hoạt động, trong đó 14 bệnh viện trúng đạn pháo do giao tranh.
Liên hợp quốc cho biết đã có 270.000 người rời Sudan tới các nước láng giềng CH Chad và Nam Sudan. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng đã sơ tán đến Ethiopia.
Liên hợp quốc đặc biệt lo ngại về tình hình nhân đạo ở Sudan. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 30/4 cho biết tổ chức toàn cầu này “hết sức lo ngại về những tác động trước mắt và lâu dài” mà cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Sudan gây ra “đối với toàn thể nhân dân Sudan và toàn bộ khu vực.”
Theo ông Dujarric, Liên hợp quốc một lần nữa kêu gọi tất cả các bên đối địch ở Sudan bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán khỏi các khu vực giao tranh, cũng như đảm bảo an toàn cho các công tác cứu trợ và chăm sóc y tế.
Cũng theo người phát ngôn trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày đã quyết định “ngay lập tức” cử Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tới khu vực để đối phó với “cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi một cách nhanh chóng ở Sudan”.