Giật mình ở xưởng sản xuất hàng “tế nhị”

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong vai “con buôn“ băng vệ sinh, chúng tôi khám phá giá cả gốc, các nhãn hiệu và cả quy trình sản xuất băng vệ sinh của các xưởng tại Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Giật mình ở xưởng sản xuất hàng “tế nhị”
Những gánh hàng rong bán băng vệ sinh "giá bèo" thế này sẽ đi khắp các nơi để tiêu thụ.

Nhà xưởng sản xuất các loại băng vệ sinh tù mù, vậy mà những nhãn băng vệ sinh mới vẫn xuất xưởng đều đặn. Trong vai “con buôn” băng vệ sinh, chúng tôi khám phá giá cả gốc, các nhãn hiệu và cả quy trình sản xuất băng vệ sinh của các xưởng tại Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh).

“Lập lòe” nhãn hiệu, giá cả

Lần theo địa chỉ ghi trên bao bì của các loại băng vệ sinh giá rẻ, chúng tôi về Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh) nơi có nhà xưởng sản xuất sản phẩm “tế nhị” này.

Ở trên địa bàn xã chỉ có 4 công ty và 1 doanh nghiệp nhưng có đến hơn 12 nhãn hiệu băng vệ sinh khác nhau. Xã Xuân Lâm có nhãn hiệu băng vệ sinh của “Ánh Dương” (Công ty TNHH Ánh Dương) được mọi người tôn vinh là hàng hiệu thì cũng có vô số nhãn hiệu băng vệ sinh khác như Dimfan, Dolly, Kilet, Như ý, Koter, Koten… của các công ty khác được gọi là “hàng chợ”.



Miếng băng đã hỏng trong lần sản xuất trước được nghiền ra làm bông để chế biến lại.

Tên của sản phẩm tại đây thường nhái lại tên của các sản phẩm “có tiếng” như Kotex hay Diana, hoặc khoác trên mình những cái tên “đáng tin cậy” như An Tâm, Như Ý hay Sinh Viên. Tên sản phẩm thì thay đổi liên tục khiến khó phân loại và đánh giá sản phẩm tin cậy.

Giá các sản phẩm này mua tại công ty rất “bèo”, chỉ 114.000 đồng/lô gồm 80 gói tức là chỉ 1.500 đồng cho một gói băng vệ sinh có cánh gồm 8 gói loại Kilet. Các loại băng vệ sinh để trần không nhãn mác còn rẻ hơn, tính trung bình chỉ 1.200 - 1.300 đồng/gói gồm 6 miếng… Loại được gọi là “hàng hiệu” như Ánh Dương cũng chỉ có giá 3.000 đồng tại gốc và bán ra với giá 6.500 đồng.

“Tù mù” nhà xưởng

Các nhà xưởng của các công ty sản xuất băng vệ sinh tại xã Xuân Lâm có diện tích từ 350m2 đến 1000m2 gồm nơi đặt dây chuyền sản xuất, chỗ đóng gói, kho hàng, kho nhiên liệu…

Theo quan sát của chúng tôi tại Công ty TNHH Thanh Xuân, dây chuyền sản xuất sản phẩm rất đơn giản. Quy trình sản xuất sản phẩm này là: Bông và giấy vụn được cho vào 1 toa nghiền, sau đó được đóng thành từng miếng nhỏ, tiếp đó được dán giấy dính và cuối cùng là ra những miếng băng (gọi là băng trần).

Máy sản xuất băng vệ sinh được vận hành bởi những thợ nam, khi máy hoàn thành những miếng băng trần, các công nhân này đưa ra để các công nhân nữ đóng gói.

Trong xưởng, máy nghiền bông, giấy kêu ầm ầm và bụi bay trắng xưởng. Những tấm băng trần được đổ trực tiếp xuống nền bạt bẩn. Cỗ máy dường như đã cũ kĩ, thỉnh thoảng lại hỏng, sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm còn dở dang cứ lẫn lộn cả bụi lẫn bẩn.

Điều đáng nói ở đây là chất lượng, bông đưa vào sản phẩm băng vệ sinh này là bông loại (theo bà chủ của xưởng Thanh Xuân, bông có giá khoảng 12 nghìn/kg). Bông có màu ố vàng, chứa nhiều tạp chất. Thêm vào đó các sản phẩm bị “lỗi quá” đều được nhặt ra và nghiền lại để tái sử dụng. Bông lúc này trở thành một dạng khác lẫn tạp chất.... Các miếng băng dính dầu mỡ trong quá trình sửa máy được coi là “lỗi ít”, không được nhặt ra bỏ đi mà đều được mang đóng gói.

Trong một diện tích nhỏ hẹp, các hoạt động sản xuất chồng chéo lên nhau nên vấn đề vệ sinh cũng không đảm bảo. Các công nhân nữ tại đây cho biết: “Đến xưởng làm việc phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc không thì bụi sẽ làm người ngạt thở”. Thế nhưng thực tế chứng kiến, trong luồng bụi, các miếng băng vệ sinh vẫn được đổ ra phơi chờ đóng gói.

Băn khoăn về một sản phẩm tế nhị

Ông Chủ, Phó Chủ tịch xã Xuân Lâm, cho biết: xã có khoảng 5 xưởng sản xuất bông băng, giấy vệ sinh. Các xưởng này tồn tại khoảng 10 năm. Tất cả các hoạt động sản xuất của các xưởng này do cơ quan “bên trên” quản lý.

Theo luật sư Chu Vân (trưởng văn phòng luật sư Chu Vân): Các nhãn hiệu như Kotex và Diana là những nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ, và vẫn còn hiệu lực bảo hộ. Việc mà các doanh nghiệp khác cố tình lấy tên na ná, làm bao bì sản phẩm “nhái lại” có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm… Điều này là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Thêm vào đó, các loại băng vệ sinh trần được gọi là “hàng chợ” được bày bán không hề có nhãn mác, không ghi địa chỉ sản xuất, không ghi thành phần, số lượng. Điều này vi phạm về quy định ghi nhãn mác hàng hóa. Kiểm tra cụ thể trên sản phẩm, chúng tôi thấy lớp màng lưới dễ rách, có dấu hiệu của mốc, mùi hôi và khối lượng kích thước không đều giữa các sản phẩm.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc sử dụng các sản phẩm băng vệ sinh không đảm bảo chất lượng có thể gây ra nhiều bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn được ưa chuộng ở vùng sâu, vùng xa do giá rẻ. Sản phẩm này vẫn được bày bán và tiêu thụ ở nhiều nơi bất chấp cảnh báo việc sử dụng băng vệ sinh giá rẻ, chất lượng không đảm bảo có thể gây hại đến chính sức khỏe của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật