Đề xuất miễn phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp vận tải

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù Bộ Tài chính vừa có đề xuất kéo dài thời hạn giảm phí đường bộ thêm 6 tháng, để gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song các doanh nghiệp cho rằng, trong tình cảnh khó khăn hiện nay, nhất là dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, vận tải đường bộ “lao đao”, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét miễn phí bảo trì đường bộ.
Đề xuất miễn phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp vận tải
Ảnh minh họa

Giảm 30% phí đường bộ đến tháng 6/2022

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 10% đối với xe vận tải hàng hóa, 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách. Loại phí, lệ phí này đang được giảm đến hết 31/12/2021, còn theo dự thảo quy định mới, Bộ Tài chính đề xuất nới thêm thời gian áp dụng đến hết 30/6/2022.

Theo quy định, mức phí sử dụng đường bộ phải đóng đối với các doanh nghiệp vận tải chia làm 8 mức, từ thấp nhất 130.000 đồng đến cao nhất 1.430.000 đồng/tháng. Đối chiếu với đề xuất của Bộ Tài chính, xe vận tải hành khách dưới 9 chỗ sẽ giảm được hơn 230.000 đồng/6 tháng/xe; doanh nghiệp taxi có khoảng 500 đầu chiếc, số tiền được giảm tương đương 165 triệu đồng.

Theo đại diện doanh nghiệp vận tải Hà Sơn - Hải Vân, doanh nghiệp có 70 xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai và 30 xe trung chuyển, nhưng hiện chỉ có khoảng 30 đầu xe hoạt động cầm chừng, còn lại “đắp chiếu”. Với thực tế này, việc giảm phí đường bộ như trên không hỗ trợ được nhiều cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì giá xăng vẫn tăng cao, chiếm phần lớn giá thành vận tải hiện nay.

Trong khi đó, qua tìm hiểu, hiện có đến 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang phải thế chấp, vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Hiệp hội Vận tải hàng hóa Việt Nam thống kê, mức phí đường bộ giảm 10% quá ít so với những chi phí thường xuyên của các doanh nghiệp, trong bối cảnh thiếu nguồn hàng, thiếu nhân công từ lái xe đến xếp dỡ, chưa kể phí bến bãi, bù giá nhiên liệu...

Miễn phí bảo trì, giảm thuế phí

Rà soát của Sở Giao thông vận tải (GTVT) gửi Bộ GTVT cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện nay đều đang “tiến thoái lưỡng nan” với các khoản thuế phí, lãi vay ngân hàng và các khoản tiền trả lương lái xe, nhân viên.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải là giải pháp tích cực cho các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách từ ngừng hoạt động đến hoạt động cầm chừng, xe chủ yếu nằm bãi, nếu phải đóng phí đường bộ là bất hợp lý.

“Nhiều doanh nghiệp ngại thủ tục phiền hà, nên không làm các thủ tục tạm dừng hoạt động, mặc dù nhiều phương tiện phải ngừng chạy, khiến doanh nghiệp phải nộp phí. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét miễn phí đường bộ cho phương tiện kinh doanh vận tải, không chỉ là với phương tiện đang hoạt động, mà cả phương tiện nằm bãi. Điều này có ý nghĩa lớn đối với những doanh nghiệp có nhiều phương tiện phải dừng hoạt động”, ông Nguyễn Văn Quyền bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, quy định giảm phí đường bộ hiện nay dù chỉ một đồng cho doanh nghiệp cũng đáng quý. Song, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét tổng thể, xuyên suốt thời gian dài doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong khi đó, sau gần 2 tháng được hoạt động trở lại, doanh nghiệp cũng chỉ được duy trì hoạt động 50% đầu xe và chở 50% số chỗ, mà vẫn không đạt doanh thu. 

Các chuyên gia vận tải cũng nhận định, dịch bệnh COVID-19 hiện nay tác động tiêu cực, sâu rộng đến vận tải đường bộ, chưa có tiền lệ, nên thay vì giảm thì cần miễn phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp; đồng thời, cần có gói kích cầu mạnh tay hơn, hỗ trợ tổng thể hơn để vực dậy doanh nghiệp vận tải. 

Chưa hết, đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng thời gian qua, doanh nghiệp khó tiếp cận do điều kiện của gói hỗ trợ này chỉ dành cho các doanh nghiệp vận tải bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên, trong khi không ít doanh nghiệp có thời gian tạm dừng hoạt động dài nhất chỉ 28 ngày. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải không có nợ xấu tại thời điểm vay vốn. Đối chiếu với những điều kiện này, nhiều doanh nghiệp vận tải không đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi...

“Do vậy, cần xây dựng gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp vận tải, trong đó có thể giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay và kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện lên thêm từ 2-3 năm, để gỡ khó cho doanh nghiệp phải đầu tư phương tiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hồi phục kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật