Nghệ sĩ Hữu Thành một đời lận đận, say nghề

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước khi mất, nghệ sĩ Hữu Thành sống đời giản dị, 30 năm ở trọ đất Sài Gòn để nuôi đam mê phim ảnh.
Nghệ sĩ Hữu Thành một đời lận đận, say nghề
Nghệ sĩ Hữu Thành sinh năm 1933, cùng thời các diễn viên Mai Thành, cố nghệ sĩ Hồ Kiểng... Ông tham gia hơn 116 phim, là một trong những nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ nhất màn ảnh Việt. Ảnh: Thanh Hiệp.

Diễn viên Hữu Thành ra đi trong vòng tay vợ, các con trưa 1/8, thọ 88 tuổi. Vài năm nay, ông không có nhiều phim. Vai cuối cùng của nghệ sĩ là người ông trong tác phẩm điện ảnh Bắc kim thang, cùng một số vai phụ trong các tiểu phẩm. Những lúc không đi diễn, ông chạy xe quanh quán xá, hát đờn ca tài tử để kiếm thêm thu nhập. Ông không có cát-xê, khách cho bao nhiêu thì chia cho chủ quán 30%. Hơn mười năm nay, vợ mắc bệnh tim nên ông càng gắng sức lo liệu thuốc thang.

Làm nghệ thuật một đời nhưng nghệ sĩ không mua nổi căn nhà. 30 năm sống ở Sài Gòn, ông trải qua bảy, tám căn nhà trọ. Có căn ngập lênh láng khi trời mưa, có căn dột. Mỗi lần nhà tăng giá, vợ chồng ông lại dắt díu nhau tìm nơi ở để ổn định cuộc sống, theo nghề diễn. Ông có sáu con, hai người đã mất vì bệnh, những người còn lại chật vật mưu sinh. Những năm cuối đời, ông và vợ sống cùng gia đình con trai út trong căn hẻm ở quận 10, rộng khoảng 20 m2, có hai tầng. Con, cháu sống ở tầng một. Ông và bà sinh hoạt trên căn gác vẻn vẹn 10 m2, chỉ đủ để ngủ và dành một góc đặt bàn thờ người thân đã mất và treo những bức hình kỷ niệm trong nghề. Mỗi khi muốn tiếp khách, nghệ sĩ mời họ xuống sân hoặc ra quán nước cạnh nhà. Hai ông bà nhiều năm mơ ước được cấp một căn nhà tình nghĩa để cuộc sống bớt tạm bợ.

Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng nghệ sĩ Hữu Thành luôn lạc quan, say nghề. Diễn viên Kiều Trinh nhớ ông có chất giọng sang sảng, lối nói chuyện hài hước, hay xưng "tao - mày" một cách dân dã. Ngoài 80 tuổi, ông vẫn chạy chiếc xe Dream mua từ gần 20 năm trước đi đóng phim, không nề hà chuyện thù lao hay vai lớn vai nhỏ. Kiều Trinh kể trong phim Ngõ vắng, ông đóng vai bố chồng tương lai của cô, chỉ xuất hiện chớp nhoáng. Ấy vậy mà ông chạy xe mấy chục cây số từ Sài Gòn xuống Củ Chi rồi tự đi về. Đạo diễn Xuân Cường - từng làm việc chung qua phim Lệch pha, Gỡ rối tơ hồng - kính trọng ông bởi tinh thần lăn xả, nghiêm túc. "Ông chưa bao giờ trễ giờ, nhiệt tình nhận mọi vai, bất kể thời gian, địa điểm". Một lần, ông đi quay phim ở Đà Lạt, nhận cát-xê 500.000 đồng, trừ thuế đi chỉ còn 470.000 đồng.

Diễn viên Thân Thúy Hà từng đóng chung với ông phim Đồng tiền quỷ ám. Khi ấy, nghệ sĩ vào vai bố chồng của cô. "Dù tuổi đã cao, bố giữ sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn. Phim thu tiếng trực tiếp, thoại dài, nhiều từ ngữ chuyên môn nhưng bố vẫn thuộc làu làu, diễn hăng say, khiến các nhân vật khác cuốn theo. Phim quay cả ngày nhưng chưa bao giờ ông than mệt, luôn cười nói vui vẻ. Cả êkíp đều thương, quý ông", cô nói.

Ông đóng vai phụ trong hơn 100 bộ phim, chủ yếu hóa thân những người cha, người ông dung dị, chất phác trong Dấu chân du mục, Mùa len trâu, Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Đường Hồ Chí Minh trên biển, Lệch pha... Nghệ sĩ từng nói mỗi nhân vật đều lưu lại trong lòng ông những kỷ niệm với nghề. Tuổi cao nhưng ông luôn tự thực hiện các cảnh khó. Trong phim Mùa len trâu, ông đóng ông Định - ba nhân vật Kìm. Trong cảnh Kìm đẩy xác cha đã chết trên sông, ông nằm trên thuyền, một con quạ buộc ở gần đầu ông. Lúc quay phim, ông hoảng hồn vì sợ quạ tấn công vào mắt nhưng vẫn cố hoàn thành cảnh quay.

Không còn diễn cải lương nhiều năm nhưng ông vẫn hồi tưởng thời gắn bó với nghề. Chuyển nhiều căn phòng trọ, vợ chồng ông luôn mang theo những đạo cụ cũ. Thỉnh thoảng, hai ông bà cùng ngồi ngâm nga hát. Thuở nhỏ, ông mê hát từ năm 10 tuổi, sớm bỏ nhà theo đoàn Thái Bình học nghề. Sau vài năm, ông được "bầu" Thới - đoàn Hữu Chí - giao đóng vai chính, gả con gái cho. Khi đoàn Thái Bình tan rã, ông dắt cả nhà đi khắp miền Tây, tham gia các đoàn hát từ Mộng Vân, Hoa Sen đến Hương Mùa Thu. 40 năm lang bạc với nghề cầm ca, ông được bầu làm Phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật Hậu Giang II nhưng cũng không trụ được lâu. Năm 1990, ông về Sài Gòn, được nghệ sĩ Nguyễn Hậu giới thiệu bước vào lĩnh vực điện ảnh.

Cuối đời, khi sức khỏe đã xuống dốc, nghệ sĩ Hữu Thành nói ông đóng phim, đi hát không vì cát-xê mà vì "ghiền". Nghe tin ông mất, diễn viên Ngọc Lan ngậm ngùi. Chị nhớ câu ông từng nói trong chương trình Gõ cửa thăm nhà, ghi hình năm ngoái: "Diễn xuất đã là cái nghiệp của Tổ cho, cái nghiệp khiến tôi sống ở sân khấu mà chết cũng phải ở sân khấu. Dù được mời diễn vai quần chúng, tôi cũng nhận, miễn nói một câu rồi mình nhắm mắt cũng được".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật