Về Kẻ Rỵ sống trong trầm tích văn hóa của một vùng quê đặc biệt

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) không chỉ được biết đến bởi nghề đúc đồng lâu đời, mà còn là quê hương của nhà sử học nổi tiếng Lê Văn Hưu.
Về Kẻ Rỵ sống trong trầm tích văn hóa của một vùng quê đặc biệt
Vẻ khang trang của một khu dân cư trong xã Thiệu Trung.

Khung cảnh tấp nập từ những hộ sản xuất của làng nghề đúc đồng Chè Đông tạo nên một khu dân cư sầm uất, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bên trong những ngôi nhà rộng rãi, khang trang là những xưởng sản xuất đang ngày đêm đỏ lửa.

Gặp chúng tôi, những người dân địa phương không dấu được sự tự hào về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Với họ, những sản phẩm từ nghề truyền thống của làng không chỉ mang lại đời sống ấm no, mà còn giúp lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Ngoài nghề đúc đồng, nơi đây còn được biết đến là mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng một tri thức lớn của dân tộc: Nhà sử học Lê Văn Hưu.

Đền thờ Lê Văn Hưu trước khi được xây mới

Theo sử sách lưu giữ tại địa phương, Lê Văn Hưu sinh năm 1230 tại làng Phủ Lý, thường gọi là Kẻ Rỵ (hay Kẻ Rậy).

Từ nhỏ, ông được nhắc đến là cậu bé khôi ngô, tuấn tú, thông tuệ khác thường. Năm 1‌8 tuổ‌i đỗ Bảng nhãn, được bổ nhiệm chức quan viện hàn lâm, sau đó được vua Trần Thái Tông giao trọng trách biên soạn Quốc sử với bộ Đại Việt sử ký.

Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở thời phong kiến Việt Nam ghi lại các sự kiện của đất nước trong khoảng thời gian 15 thế kỷ. Công trình nghiên cứu của ông đã được Vua Trần cũng như các nhà sử học đời sau như Ngô Sỹ Liên ca ngợi.

Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu đang được xây mới trong khuôn viên cụm di tích

Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân địa phương đã xây dựng đền thờ tại khu đất đẹp trong xã. Tuy nhiên, theo thời gian di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2020, khu đền thờ được khởi công xây dựng lại với dự toán 30 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để hoàn thành đầu tư các hạng mục đền thờ chính, còn lại là vốn ngân sách huyện, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Chị Trần Thị Hiên - cán bộ văn hóa xã đưa chúng tôi đến thăm Đền thờ, đồng thời giới thiệu thêm các điểm đến khác trong cụm di tích của xã.

Theo chị, các di tích trong xã dù đã được công nhận hay chưa được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, thì đều được người dân nơi đây quan tâm giữ gìn với mong muốn lưu lại cho thế hệ sau những giá trị của đất và người Thiệu Trung.

Chùa Hương Nghiêm

Trên đất Thiệu Trung, ngoài Đền thờ Lê Văn Hưu còn có Chùa Hương Nghiêm được xây dựng khoảng giữa thế kỷ X, nằm ngay cạnh đền thờ Lê Văn Hưu, khuôn viên rộng gần 10.000 m2, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990. Đây là nơi người dân thường xuyên đến dâng hương cầu an.

Chùa đã nhiều lần được tôn tạo nên không còn giữ được nguyên bản, tuy nhiên đây vẫn là công trình có giá trị về mặt kiến trúc. Trước cổng chùa còn gác đá treo chuông cổ.

Gác đá treo chuông cổ được bà con địa phương gìn giữ

Cách đó khoảng 1 km là khu lăng mộ của sử gia được tôn tạo khang trang trong khuôn viên rộng, cảnh quan hài hòa. Ngay trước khu di tích có hồ bán nguyệt, tam quan, đặc biệt có bia đá cổ ghi lại thân thế, sự nghiệp của ông

Toàn cảnh khu lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu.

Phát huy tinh thần hiếu học của nhà sử học Lê Văn Hưu cũng như truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thiệu Trung luôn chung sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung Trần Công Lạc, cho biết: Xã có 22 cơ sở đúc đồng lớn, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của làng nghề phong phú về mẫu mã, được nhiều thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển làng nghề, chính quyền và người dân còn chú trọng đến phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch văn hóa tâm linh. Mỗi năm xã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, mang lại nguồn thu không nhỏ.

Mỗi năm các cơ sở đúc đồng không chỉ thu nhập từ sản xuất mà còn từ du khách đến thăm làng nghề

Tin rằng cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, phát huy giá trị di sản nghề đúc đồng Chè Đông, miền đất Kẻ Rỵ sẽ là điểm du lịch hấp dẫn trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật