Cuộc chia ly thứ hai của bóng đá Khánh Hoà?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ việc đặt mục tiêu trở lại V.League ngay sau khi xuống hạng năm ngoái, những ai yêu mến CLB Sanna Khánh Hoà lại nhận tin buồn khi đội bóng này có nguy cơ giải thể vào cuối năm nay.
Cuộc chia ly thứ hai của bóng đá Khánh Hoà?
CLB Khánh Hoà có nguy cơ giải thể lần hai.

Đâu là nguyên nhân khiến một trong những cái nôi của bóng đá Việt Nam như Khánh Hoà liên tục rơi vào tình trạng khó khăn và sau tất cả, có lối thoát nào cho các cầu thủ và ban huấn luyện?

Đồng loạt ra đi

Số phận mong manh của CLB Sanna Khánh Hoà dường như đã được định trước ngay từ mùa giải năm ngoái. Vẫn những con người đó, từ một đội bóng luôn chơi ngổ ngáo không ngán ông lớn nào tại V.League, họ bất ngờ sa sút phong độ và liên tục đứng cuối bảng xếp hạng. Những nỗ lực trong giai đoạn cuối V.League 2019 không thể giúp HLV Võ Đình Tân và các học trò thoát khỏi suất xuống hạng trực tiếp, chấp nhận xuống chơi ở V.League 2.

Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều với kế hoạch trở lại V.League của Sanna Khánh Hoà nếu như họ vẫn giữ được bộ khung từng chinh chiến ở hạng đấu cao nhất bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy tương lai đó.

Từ việc ký hợp đồng mới và cam kết gắn bó với bóng đá Khánh Hoà, thủ môn Tuấn Mạnh chuyển hướng đầu quân cho SHB Đà Nẵng. Cuộc chia ly của Tuấn Mạnh là một trong những dấu hiệu cho thấy bóng đá Khánh Hoà bắt đầu có binh biến.

Sau Tuấn Mạnh, đến lượt 3 trụ cột của Khánh Hoà là Đình Khương, Trùm Tỉnh và Lâm Ti Phông đồng loạt đầu quân cho CLB TP HCM. HLV Đinh Hồng Vinh được cho cũng đã có mặt tại Nha Trang để đàm phán, đưa về Vũng Tàu hai gương mặt khác.

Những cầu thủ Khánh Hoà có thể sớm tìm chỗ đứng cho mình ở CLB khác cũng rục rịch ra đi, và thậm chí CLB chẳng còn mặn mà giữ họ ở lại. Ban lãnh đạo đội bóng sẵn sàng bật đèn xanh cho bất cứ ai có nguyện vọng ra đi.

Nguyên nhân đằng sau chuyện binh biến của bóng đá Khánh Hoà tất cả cũng vì chữ tiền mà ra. Ngày 17-9, hàng loạt cầu thủ đã bỏ tập và yêu cầu được chuyển sang đầu quân cho CLB khác vì liên tục bị nợ lương và tiền lót tay từ đầu năm đến nay.

Ở chiều ngược lại, việc hàng loạt cầu thủ đội một rục rịch đầu quân cho đội bóng khác khiến CLB Khánh Hoà không còn đủ người để thi đấu cho giai đoạn tới.

Giải pháp tình thế hiện tại được ban huấn luyện đưa ra là đôn cầu thủ từ đội U17 lên tập cùng các đàn anh, bởi những cái tên ở lứa trên đều đã sạch bóng. Từ việc tràn đầy hy vọng với mục tiêu trở lại V.League, cái tên Khánh Hoà có thể một lần nữa biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Tuấn Mạnh mở đầu cho cuộc “tháo chạy” khỏi Khánh Hoà.

Vì sao nên nỗi?

CLB Khánh Hoà từng là miền đất để những cầu thủ giỏi nhất chứng tỏ khả năng. Đội hình ĐT Việt Nam đăng quang chức vô địch AFF Cup 2008 có 2 cầu thủ Khánh Hoà là Tấn Tài và Quang Hải.

Với sự đầu tư lớn của Tập đoàn Khatoco, Khánh Hoà cũng rất chịu chi trong việc mua sắm ngoại binh và nhập tịch cho các "ông Tây". Aniekan, Lê Văn Tân, Lê Văn Phú là những cái tên nổi bật nhất từng tung hoành ở sân Nha Trang dưới thời chiến lược gia Hoàng Anh Tuấn.

Đến ngày trở lại V.League, Khánh Hoà tiếp tục cho thấy họ là đối thủ không hề dễ chơi với bất kỳ đội bóng nào. Chất ngổ ngáo của những người con phố biển luôn được những cầu thủ như Quốc Chí, Trùm Tỉnh thể hiện trong mỗi trận đấu.

Từng có thời gian Sanna Khánh Hoà lọt vào tốp 3 đội dẫn đầu V.League, một tín hiệu cho thấy tiềm năng lớn của đội bóng này. Nhưng như một quy luật nghiệt ngã, bóng đá Khánh Hoà luôn sa sút vào thời khắc người hâm mộ nghĩ họ bắt đầu đi vào ổn định.

Giống phần lớn các CLB ở V.League, Sanna Khánh Hoà chưa bao giờ có điểm tựa tài chính vững vàng. Toàn bộ kinh phí hoạt động của họ, ước tính vào khoảng 50 tỷ đồng/ năm, đều do Tập đoàn Yến sào Sanna chi trả.

Điều đó cũng có nghĩa khi doanh nghiệp này không còn mặn mà đầu tư vào bóng đá nữa, CLB Sanna Khánh Hoà sẽ đứng trước nguy cơ giải thể bất kỳ lúc nào. Chuyện tương tự từng xảy ra ở thời đội bóng còn gắn bó với Khatoco và bây giờ tiếp tục tái diễn.

Có hai lý do khiến Sanna có ý định ngừng tài trợ cho đội bóng. Thứ nhất, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng xấu bởi dịch COVID-19 nên phải tính đến chuyện cắt giảm tối đa những khoản kinh phí không cần thiết.

Thứ hai, Sanna là doanh nghiệp nhà nước. Quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước không được bỏ tiền đầu tư ngoài ngành, vì vậy buộc phải trả đội bóng Khánh Hoà.

Dĩ nhiên Sanna có cái lý của họ. Trước đây CLB Hải Phòng cũng bị Công ty Xi măng Hải Phòng trả về cho UBND thành phố và vẫn được duy trì đến tận ngày nay. Vì thế, Khánh Hoà chưa lâm vào bước đường cùng như mọi người vẫn nghĩ.

Trong tình cảnh tệ nhất, Khánh Hoà có thể chuyển giao đội bóng cho một địa phương khác để các cầu thủ tiếp tục được tập luyện, ra sân thi đấu cho một đội bóng khác. Đó chính là điều BLĐ đội bóng từng làm 8 năm trước khi yêu cầu Khatoco Khánh Hoà Bắc tiến đầu quân cho Hải Phòng.

Bà Rịa - Vũng Tàu là ứng viên sáng giá nhất lên chơi ở V.League mùa tới.

Ngăn chặn tiền lệ xấu

Ở cuộc binh biến lần 1, gần như không có cầu thủ Khánh Hoà nào trụ lại Hải Phòng quá một mùa giải. Tấn Tài nhanh chân rút chạy khi biết nguyện vọng đầu quân cho Hà Nội T&T không được như ý muốn, thế nên anh chuyển hướng Nam tiến khoác áo CLB Bình Dương.

Chỉ có Quang Hải và Văn Phú tiếp tục gắn bó với bóng đá Hải Phòng thêm một thời gian. Điều đó cho thấy việc chuyển giao đội bóng sang địa phương khác chỉ là giải pháp tình thế, không thể giúp một nền bóng đá tiến bộ trong dài hạn.

Câu chuyện buồn của bóng đá Khánh Hoà một lần nữa cho thấy hệ lụy của việc phát triển bóng đá mà không tính đến khía cạnh kinh tế. Ở những nền bóng đá phát triển, một đội bóng chuyên nghiệp hiếm khi nào đứng trước tình trạng phá sản bởi họ luôn có nguồn thu ổn định giúp cân bằng các khoản chi.

Điều đó không xảy ra ở Việt Nam, khi các CLB luôn phải sống dựa vào tiền tài trợ từ 1-2 doanh nghiệp hết năm này qua năm khác. Nhà tài trợ, vì thế, cũng giống như ông chủ quyết định sinh mệnh đội bóng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật