Ước mơ vào đại học của sĩ tử 60 tuổi

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
AN GIANGTốt nghiệp THPT sau 40 năm lỡ hẹn, ông Dương Văn Bảy muốn vào đại học và mở tủ sách cho trẻ con ở quê Núi Sập, Thoại Sơn.
Ước mơ vào đại học của sĩ tử 60 tuổi
Ảnh minh họa

Biết điểm thi tốt nghiệp THPT từ cuối tháng 8, nhưng đầu tuần này ông Dương Văn Bảy ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, mới lên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nhận giấy báo kết quả và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

Ông Bảy là thí sinh tự do, học hệ giáo dục thường xuyên với điểm thi Văn 5,25; Toán 3; Sử 7,25; Địa 5,25. Điểm xét tốt nghiệp 5,08 - đủ điều kiện tốt nghiệp THPT theo quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Tốt nghiệp THPT rồi vào đại học là ước mơ mấy chục năm nay của tôi, trước đây cũng có nhiều lúc muốn buông bỏ rồi", ông Bảy nói, giọng xúc động. Năm nay, ông đăng ký một nguyện vọng vào ngành Việt Nam học tổ hợp Văn, Sử, Địa, trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP HCM).

Ông Dương Văn Bảy nhận giấy báo điểm và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên Thoại Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hơn 40 năm trước, ông Bảy mê văn thơ, nuôi mộng làm thầy giáo dạy Văn. Nhưng khi hoàn thành cấp 2, ông bỏ học vì gia đình đông anh em, khó khăn.

Khi các bạn đồng trang lứa, trong đó có bạn gái, học tiếp cấp 3 để thi tú tài, ông ở nhà phụ gia đình làm nông. Khi bạn gái tốt nghiệp phổ thông, ông ngỏ lời hỏi cưới. Thương chàng trai hiền lành, giỏi văn thơ, người yêu gác lại giấy gọi thi tuyển vào Đại học Sư Phạm TP HCM, lập gia đình cùng ông.

Vợ vì gia đình phải buôn thúng bán bưng, vun vén mọi việc, ông Bảy tự nhủ: "Nếu có cơ hội, bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa vợ quay lại giảng đường đại học".

Năm năm sau, khi sinh được hai con gái, vợ ông trúng tuyển ngành Tài chính của Đại học Tài Chính - Kế Toán (nay là Đại học Kinh tế TP HCM). Giữ lời hứa, ông ở nhà làm lụng, một mình nuôi con để vợ lên Sài Gòn học. Trong tâm thức của nhiều người ở quê khi đó, Sài Gòn là nơi rất xa xôi. Nhiều người gièm pha nói ông "gàn" khi để vợ trẻ, đẹp đi học dễ mất vợ. Nhưng ông bỏ ngoài tai, luôn động viên bạn đời cố gắng đèn sách. Bởi ông biết chỉ có học mới có thể giúp người ta thay đổi cuộc đời. "Mình đã bỏ thì phải dồn sức cho vợ học", ông quyết tâm.

Nhiều hàng xóm, người quen thường gọi đùa ông là "gà trống nuôi con" vì cảnh mỗi sáng, người cha một tay dắt con gái lớn, một tay bồng đứa nhỏ đi nhà trẻ rồi tất tả đi làm. Không có nghề ổn định, ông Bảy làm "thợ đụng", ai gọi gì làm nấy, chủ yếu đi dỡ nhà thuê hoặc mua, giao hàng. Cứ vài tháng một lần, chờ có xe của ủy ban lên Sài Gòn, ông mới xin quá giang để thăm vợ ở ký túc xá.

Mỗi ngày chỉ được trả công 5.000 đồng, bữa có bữa không. Ông xoay xở để gửi từ quê lên Sài Gòn từng món tiền nhỏ, có khi 5.000 đồng, có khi 10.000 đồng, gửi đến lúc nào đủ số tiền 100.000 mỗi tháng cho vợ ăn học. Có lần lên Long Xuyên làm thuê, ông làm rơi 5.000 đồng do bất cẩn. Không có tiền trả xe đò, nghĩ đến hai con gái nhỏ mất phần quà bánh, ông khóc giữa đường.

Sống kham khổ nhưng ông vẫn dành dụm tiền mua sách, từ truyện của Tô Hoài đến Victor Hugo, cổ tích Andersen, truyện cổ anh em Grimm, sách văn học kinh điển trong và ngoài nước, sách lịch sử Việt Nam và thế giới, tích lũy hàng trăm cuốn sách. Ngày đi làm, tối đến ông đọc sách cho hai con gái dưới ngọn đèn dầu.

Có dạo không đủ tiền gửi cho vợ, ông phải bán đi tủ sách bằng gỗ rồi cột sách thành từng chồng để trên nóc tủ. Nằm kế hai đứa con đã say giấc, nhìn đống sách mà người cha chực khóc vì tủi thân, tự trách mình không đủ tiền nuôi nổi vợ con.

Ba năm sau, vợ ông tốt nghiệp đại học, trở về quê được phân việc ở UBND huyện, ông học nghề rồi mở một tiệm may. Làm thợ may vất vả nhưng ông vẫn giữ được nếp đọc sách, luôn giữ khát khao đi học.

Cuộc sống gia đình dần ổn định, hai cô con gái lên Long Xuyên học trường chuyên cũng là lúc ông Bảy tính đường quay lại trường lớp. Ông đăng ký học cấp 3 hệ bổ túc ở trường Trung học Nguyễn Văn Thoại, xong lớp 12 thì thi tốt nghiệp.

Lần đó ông thi rớt, hai năm sau kết quả cũng chẳng khá hơn, lần nào cũng bị liệt môn Toán. "Thực sự tôi nản lòng. Sau lần cuối thì tôi buông xuôi, tự nhủ không bao giờ đi thi nữa", ông kể.

Cuối năm ngoái, trong một buổi hàn huyên với người bạn, ông được khuyên đi thi tốt nghiệp THPT. Ông Bảy cười trừ, gần 20 năm qua rồi, không còn kiến thức để thi nữa. Nhưng người bạn này trấn an, cố gắng thuyết phục ông rằng kỳ thi THPT những năm gần đây đổi mới, nhẹ nhàng hơn. Ông Bảy sau đó tự tìm hiểu thông tin về kỳ thi này rồi quyết tâm đăng ký.

Ông mua sách giáo khoa Văn, Toán, Sử, Địa tự học rồi đăng ký một khóa ôn ngắn hạn tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thoại Sơn. Thấy sĩ tử 60 tuổi đi ôn, nhiều thầy cô trẻ quý mến, giúp đỡ tận tình nhưng không ai dám nghĩ ông có thể đậu tốt nghiệp.

Ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, ông mừng rỡ vì điểm Toán được 3, vượt qua điểm liệt. Môn Sử điểm khá, môn Địa trung bình đúng như dự báo ban đầu nhưng ông tiếc nuối ở môn Văn bởi đã dừng bút quá sớm khi thời gian còn nhiều.

"Tôi quyết tâm học chính quy và chỉ đăng ký duy nhất ngành Việt Nam học ở Đại học An Giang. Với những kiến thức xã hội, văn hóa tôi tự tích lũy được bấy lâu, tôi tin mình sẽ học tốt nếu trúng tuyển", ông chia sẻ.

Ông Dương Văn Bảy vác cuốc chuẩn bị làm vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cơ hội vào đại học đến muộn khi đã bước sang tuổi lục tuần, vợ nghỉ hưu, con cái trưởng thành ở xa nhưng ông Bảy không muốn bỏ lỡ một lần nữa. Hiểu khát khao ngồi ở giảng đường đại học 40 năm qua của ông, vợ và các con khích lệ hết mình.

Lúc gia đình khó khăn, ông Bảy từng làm thêm nghề cho thuê sách, cũng như thường cho lũ trẻ trong ấp mượn sách đọc. Giờ, ông ấp ủ xây dựng một tủ sách gia đình dày dặn cho trẻ con ở quê để khơi niềm đam mê sách cho chúng, như cách ông đã truyền cho con mình.

"Nếu đậu đại học, đó sẽ là một hành trình thú vị với tôi", ông Bảy nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật