Theo Tiếng nói nước Nga, lý do khiến ông Kan Sok Chju lên đường vào chuyến công du này hoàn toàn dễ hiểu: Chính phủ Triều Tiên đang cố gắng tìm cách thoát ra khỏi sự cô lập về ngoại giao-kinh tế, và thử tìm kiếm những đối tác mới ở châu lục Âu.
Trong chặng dài 20 năm qua, đối tác ngoại giao chính của Triều Tiên là ba quốc gia - Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính thức mà nói thì Hàn Quốc và Hoa Kỳ bị coi là kẻ thù, còn Trung Quốc là đồng minh. Trên thực tế, chính sách đối với cả ba nước trên đều chịu sự chỉ đạo của những nhiệm vụ giống nhau.
Thứ nhất, ngoại giao của Triều Tiên cố gắng đảm bảo an ninh của đất nước, thứ hai, để đạt tới phát triển những liên hệ kinh tế thuận lợi cho Triều Tiên, dự trù không chỉ thương mại thông thường mà cả nhận hỗ trợ. Tuy nhiên gần đây ngoại giao Triều Tiên đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng với cả ba quốc gia này.
Triều Tiên tìm cách cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, và bất kể những lời lẽ thù địch trên báo chí trong nước, Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì liên hệ phi chính thức với Washington. Tuy nhiên, bây giờ trên thực tế hầu như tuyệt nhiên không có cơ may nào là Hoa Kỳ sẽ thay đổi thái độ hết sức tiêu cực của họ đối với Triều Tiên. Lập trường của Washington rất dứt khoát: điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ với Triều Tiên phải là sự từ chối của Bình Nhưỡng với chương trình vũ khí hạt nhân. Thế mà đối với phía Triều Tiên thì đây là đòi hỏi tuyệt đối không thể chấp nhận.
quan hệ với Hàn Quốc đã xấu đi nhiều ngay từ năm 2008, sau khi chính quyền ở quốc gia miền Nam thuộc về lực lượng cánh hữu bảo thủ do Tổng thống Lee Myung-bak đứng đầu. Đã từng có hy vọng rằng đến thời Tổng thống Park Geun Hye, quan hệ gữa 2 miền Triều Tiên sẽ bình thường, nhưng có vẻ là những mong đợi ấy không được đáp ứng. Khó có thể nói ai gánh trách nhiệm lớn hơn khi chiến tranh lạnh giữa hai miền vẫn tiếp diễn, nhưng thực tế vẫn là thực tế: Bình Nhưỡng hoặc là không muốn, hoặc là không thể thiết lập liên hệ kinh tế tích cực với Hàn Quốc.
Quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc gần đây đã trở nên kém thân thiện so với trước, mặc dù ngay cả thời xưa cũng đã chẳng phải là đơn giản. Sự kiện đáng chú ý là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên, đã đến Seoul chứ không thăm Bình Nhưỡng. Chi tiết không kém phần quan trọng là trên báo chí Triều Tiên thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện những lời chỉ trích chẳng mấy kín đáo nhắm vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, việc Bình Nhưỡng cố gắng tìm kiếm những đối tác mới và nhà tài trợ mới là điều hiển nhiên. Một phần của động thái này là những cố gắng của Triều Tiên để cải thiện quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, hiện nay, do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và quan hệ Nga-phương Tây xấu đi, hẳn là Moskva khó dành quan tâm và chăm lo đầy đủ tới Triều Tiên. Hiểu ra điều đó, Bình Nhưỡng quyết định xây dựng cây cầu nối tới các nước châu Âu. Động cơ thúc đẩy ở đây có thể còn một phần bởi thực tế là đương kim lãnh đạo tối cao của Triều Tiên từng trải qua những năm tháng thơ ấu và niên thiếu ở châu Âu.
Hiện thời còn khó đoán những cố gắng của Bình Nhưỡng sẽ thành công đến đâu. Một mặt, các nhà lãnh đạo châu Âu có vẻ ít định kiến hơn so với lãnh đạo Hoa Kỳ hay Hàn Quốc. Mặt khác, vấn đề hạt nhân cũng như bản chất chính sách nội bộ của Bình Nhưỡng có thể là trở ngại nghiêm trọng đối với việc cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và các nước Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, thực trạng kinh tế gần đây ở châu Âu đã tồi tệ đi nhiều khiến họ không thể hào phóng mở hầu bao cho ai. Cuối cùng, khoảng cách địa lý của Triều Tiên với châu lục Âu cũng như thiếu vắng những lợi ích kinh tế tương hỗ bổ sung cũng là vấn đề chẳng giản đơn.
Dù sao chăng nữa, Bình Nhưỡng cũng đã quyết định cố thúc đẩy quan hệ với châu Âu. Không tùy thuộc vào kết quả cụ thể sẽ ra sao, có thể xem bản thân nỗ lực của Triều Tiên để tích cực hóa mối tương tác của họ với thế giới bên ngoài như là một động lực mới trong tiến trình làm lành mạnh tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên.