Nga hôm thứ 6/9 đã cử sáu tàu, gồm hai tàu đổ bộ cỡ lớn, chở nhân lực và trang thiết bị cho một căn cứ quân sự thời Liên Xô ở Bắc Cực mới được mở cửa trở lại để củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực.
Moscow đang gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực hoang sơ nhưng giàu năng lượng trong bối cảnh Canada và Na Uy cũng đang tăng cường củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại khu vực này.
Theo quyết định mở cửa trở lại căn cứ quân sự trên quần đảo New Siberian ở cực Bắc bị bỏ hoang từ năm 1993 hồi năm ngoái của Tổng thống Vladimir Putin, một hạm đội gồm sáu tàu chở thiết bị và nhân lực thuộc Hạm đội Biển Bắc đã rời cảng Severomorsk ở miền bắc Nga hôm 6/9.
Phát ngôn viên của quân khu Tây Vadim Serga nói với hãng tin ITAR-TASS, một số tàu phá băng cũng đã đi kèm đội tàu trên. Đô đốc Vladimir Korolyov, chỉ huy Hạm đội Biển Bắc cho biết, căn cứ tại New Siberian sẽ đi vào hoạt động trở lại từ cuối năm nay.
Năm ngoái, Nga đã điều mười tàu đến quần đảo New Siberian để cung cấp các thiết bị, vật tư đầu tiên để xây dựng lại cơ sở trên quần đảo này, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống -58 độ F.
Hồi cuối tháng 8, Ngoại trưởng Canada John Baird đã cáo buộc quyết định mở cửa trở lại căn cứ trên của Nga là mối đe dọa đối với chủ quyền của nước này ở Bắc Cực và nhấn mạnh rằng Canada sẽ "quyết tâm để thúc đẩy và bảo vệ chủ quyền" của mình khi đối mặt với mối đe dọa từ Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov sau đó đã bác bỏ tuyên bố của ông Baird khi cho rằng chúng "vô nghĩa". Tổng thống Vladimir Putin tiếp đó cho biết, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ ở Bắc Cực của Nga phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Nhiều người lo ngại về các nỗ lực của chúng tôi (ở Bắc Cực) và đang sợ hãi điều đó. Chúng tôi đã và sẽ nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi chỉ hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế", ông Putin nói.