Long An: Giỗ liệt sĩ: Chuyện tự phát... từ trái tim

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có một nơi, người thân, gia đình liệt sĩ (LS) cứ chờ mong đến ngày Thương binh – Liệt sĩ (TBLS) 27.7, không phải để được dự lễ trang trọng, để được ăn uống tiệc tùng. Họ chờ để được về dự “Giỗ liệt sĩ” một cách trân trọng, ấm cúng, để gặp gỡ những người cùng hoàn cảnh và để được chia sẻ bao điều thiết thực khác.
Long An: Giỗ liệt sĩ: Chuyện tự phát... từ trái tim
Kỷ niệm ngày TBLS 2014 tại nghĩa trang LS huyện Cần Đước. Ảnh: T.N

Thực sự là ngày hội

Sáng sớm chủ nhật (27.7), khu vực bia ghi danh LS xã Tân Lân (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) nhộn nhịp khác thường. Hàng trăm người dân khắp nơi trong xã tập trung về đây dự “Giỗ liệt sĩ”. Nhiều người mang theo bó hoa, ít trái cây hái từ vườn nhà. Có người mang theo bánh ít, bánh tét tự tay làm... Bà Trần Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã - cho biết, đã thành thông lệ từ 8 năm qua, cứ đến ngày TBLS là xã tỗ chức “Giỗ liệt sĩ”, mời đại diện gia đình tất cả LS về dự. Chi phí tổ chức giỗ có một ít từ nguồn “đền ơn đáp nghĩa”, còn lại là “xã hội hoá”. Trong toàn xã Tân Lân có hơn 500 liệt sĩ. Ngoài một số gia đình LS không còn ai hoặc đi làm ăn, định cư ở xa, còn lại các gia đình LS đều về dự đầy đủ.

Bà Phượng cho biết, tổ chức “Giỗ liệt sĩ” là dịp để chính quyền địa phương tri ân các gia đình có công, để bà con góp ý công tác điều hành của chính quyền xã. Đây cũng là dịp để các gia đình LS gặp gỡ, động viên nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Gắt - con của LS ở ấp Nhà Dài, cho biết ông luôn chờ đến ngày TBLS để được gặp gỡ những người quen cùng hoàn cảnh. Năm nay ông Gắt đi dự giỗ với niềm vui mới – ông vừa được hỗ trợ cất nhà tình nghĩa khang trang.

Xuất phát từ trái tim

Tại buổi giỗ, nhiều người vây quanh, thăm hỏi một bà cụ, tuổi đã ngoài 80. Đó là bà Chung Thị Gương, ngụ khóm 1B thị trấn Cần Đước, là vợ LS, mẹ thương binh, bản thân bà cũng là thương binh. Cách đây 15 năm, vào ngày 27.7.1999, bà tự bỏ tiền túi ra làm giỗ 20 LS trong xóm, tại nhà mình, mời người thân các gia đình LS tới dự. Bà Gương cho biết, mỗi năm vào ngày 27.7 ngành LĐTBXH huyện có tổ chức cho gia đình LS về họp mặt ở nghĩa trang LS huyện, nhưng mỗi xã chỉ khoảng 10 gia đình. Bà đứng ra làm giỗ LS là để tất cả gia đình LS trong xóm đều được dự ngày lễ thiêng liêng này.

Theo bà, giỗ LS nên làm đơn giản, chủ yếu là dịp để thể hiện tình cảm đối với những người có công với nước, ôn lại truyền thống cách mạng, thăm hỏi giúp đỡ nhau. Từ nhà bà Gương, các năm sau “Giỗ liệt sĩ” đã được nhân rộng ra các ấp Nhà Thờ, Bà Lựu, Nhà Dài, Ao Gòn... Cách đây 8 năm, lần đầu tiên tất cả các xã trong huyện Cần Đước tổ chức ngày giỗ nghĩa tình này ở quy mô cấp xã. Cho tới nay, bà Gương vẫn đều đặn duy trì “Giỗ liệt sĩ” tại nhà mình vào ngày 26.7, để tránh ngày “Giỗ liệt sĩ” ở xã. Năm đầu bà Gương tự làm giỗ, năm sau nhiều gia đình khác góp vào, rồi người dân cả xóm cùng tham gia cúng giỗ LS.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy huyện Cần Đước - cho biết, Huyện uỷ không chủ trương tổ chức “Giỗ liệt sĩ” ở xã, ấp, nhưng khuyến khích các địa phương có điều kiện thì tổ chức tri ân gia đình LS nhân ngày TBLS 27.7. Những nơi tổ chức ngày “Giỗ liệt sĩ” phải bảo đảm tinh thần tiết kiệm, uống nước nhớ nguồn, qua đó người thân liệt sĩ thấy ấm lòng, được quan tâm nhiều hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật