Đá cây “tung hoành“ nơi quán cóc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng chủ nhật (27/4), trên phố Ngô Thì Nhậm (Hà Nội), hai thanh niên hối hả vác từng tảng đá lớn từ xe tải xếp trên vỉa hè - ngay cạnh mấy xe rác. Bất chấp lệnh cấm của thành phố trong đợt dịch tiêu chảy cấp, đá cây vẫn được buôn bán và sử dụng tại nhiều hàng quán.
Đá cây “tung hoành“ nơi quán cóc
Các "thượng đế" uống trà đá họ không hề biết nguồn đá đó được lấy từ đâu. (Ảnh: T.A.)

10h sáng, phố Tạ Quang Bửu (cạnh ĐH Bách khoa), các hàng nước chè vỉa hè đông nghẹt. Có khách vào, chị chủ quán mở chiếc hộp xốp cáu bẩn lôi ra viên đá lớn đập vỡ vụn, cho vào cốc. Chị Hương chủ quán cho biết, hầu hết các quán ở đây đều lấy đá cây vì giá rẻ, dễ bán.

Tại quán giải khát trong khuôn viên ký túc xá đại học Bách Khoa, gần 20 sinh viên quây quần bên những cốc trà đá. Chủ quán có vẻ cảnh giác: "Sau khi Sở Y tế cấm bán đá cây, chúng tôi đã phải đặt mấy tủ làm đá trong nhà để có hàng phục vụ khách". Tuy nhiên, trong cửa hàng không có bất kỳ một chiếc tủ làm đá. Dưới gầm bàn, một chiếc hộp xốp lớn trong đựng 3 thanh đá to.

Mặc dù có thông tin một số người uống trà đá vỉa hè mắc bệnh tiêu chảy nhưng nhiều người vẫn sử dụng. Tu một mạch hết nửa cốc trà đá, Nguyễn Văn Nam, sinh viên khoa điện ĐH Bách khoa cho biết: "Uống nước đá cây không hợp vệ sinh nhưng bọn em không có sự lựa chọn khác. Trời nóng, khát mà vào quán lịch sự thì em không có tiền".

Tại quán vỉa hè trên đường Láng, cốc nước ngọt lổn nhộn những cục đá vừa đập. "Cả ngày phơi mặt ngoài đường, tối về cơm nước xong mệt tôi đi ngủ ngay, chẳng xem ti vi. Ngày nào tôi chẳng uống nước vỉa hè, trời nóng không uống đá chịu sao nổi", anh Hùng, nhân viên tiếp thị cho biết.

Tại cửa hàng chuyên đá cây trên phố Ngô Thì Nhậm, một xe tải nhỏ chở đầy đá dừng trước quán. Hai thanh niên ra sức lấy thanh sắt lôi từng tảng đá lớn ra khỏi xe xếp thành đống trên vỉa hè, phía dưới đặt vài chiếc bao tải. Bị chụp ảnh, chị chủ quán vội vàng lấy mấy chiếc bao tải phủ vội lên đống đá. Ngay cạnh đó là hai chiếc xe rác.

Bốc từng thanh đá lớn giao cho chủ hàng trên phố Ngô Thì Nhậm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngã tư Giảng Võ - Nguyễn Chí Thanh chiều qua cũng nhộp nhịp nhân viên đang khuân đá xuống điểm tập kết bên ven đường. Anh Hoàng lái xe ôm tại đây cho biết, đá chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán nước chè dọc khu Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Đê La Thành.

"Loại này chỉ 1.000 đồng một kg, trong khi đá tinh khiết có giá 5.000 đồng. Tôi ngồi ở đây thường xuyên, thấy họ bán chạy lắm, 8h mới mang ra mà 10h cả chục thanh đá cây đã hết veo", anh Hoàng cho biết.

Tại cổng chợ 19/12, một phụ nữ đang cầm con dao chặt từng mảng đá to của một cây đá dài hơn một mét băm thành từng cục nhỏ cho vào túi li lông. Phía bên trong góc chợ, ngay dưới nền đất gần chục thanh đá xếp chồng nên nhau, nước chảy lênh láng.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Ban quản lý chợ 19/12 cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được văn bản cấm bán đá cây của thành phố. Khi nào nhận được, chúng tôi sẽ tiến hành theo đúng quy định".

Tuy nhiên, nhiều phường cũng đã có biện pháp cánh báo người dân cảnh giác về mức độ nguy hiểm khi sử dụng đá cây. Cuối tuần qua, UBND phường Ngã Tư Sở đã khuyến cáo người dân và các hộ kinh doanh không nên mua đá cây tại số nhà 324 phố Tây Sơn.

"Mặc dù đã nhắc nhở và đình chỉ hoạt động vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng địa điểm này vẫn ngang nhiên hoạt động. Vì vậy, chúng tôi phải đọc lên loa cho toàn thể nhân dân trên địa bàn phường biết", một cán bộ ở UBND phường Ngã Tư Sở nói. 

Ngày 25/4, Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chỉ dùng đá viên của các cơ sở có chứng chỉ vệ sinh cho các loại nước giải khát. Theo văn bản này, việc sử dụng dụng đá cây cho nước giải khát bị nghiêm cấm do nguồn nước để sản xuất đá không đảm bảo vệ sinh, có thể nhiễm các loại vi khuẩn gây tiêu chảy.

Tiến sĩ Takeda, chuyên gia của Trung tâm Phòng chống bệnh dịch Mỹ, cho biết nhiều người hiểu nhầm rằng nhiệt độ thấp của nước đá có thể diệt khuẩn nên yên tâm sử dụng, ngay cả khi biết nó không sạch. Thực ra, sự đông đá không có khả năng diệt vi khuẩn. Trong môi trường này, khuẩn tả có thể tồn tại hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật