Sao chổi từ thời người cổ đại sắp thắp sáng bầu trời đêm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một sao chổi mới được phát hiện, được gọi là C/2023 A3 Tsuchinshan–ATLAS, sẽ tiếp cận gần Trái đất nhất vào ngày 12/10. Đây có thể là lần cuối cùng sao chổi này được nhìn thấy trên bầu trời đêm trong 80.000 năm nữa.
Sao chổi từ thời người cổ đại sắp thắp sáng bầu trời đêm
Phi hành gia Matthew Dominick của NASA đã chụp được hình ảnh sao chổi C/2023 A3 Tsuchinshan–ATLAS từ Trạm vũ trụ quốc tế. Ảnh: Matthew Dominick/NASA

Sao chổi đã thành công đạt đến điểm cận nhật, điểm gần nhất với mặt trời trên quỹ đạo, vào ngày 27/9 và có thể được nhìn thấy ở Nam bán cầu vào tháng 9 và đầu tháng 10. Hiện tại, thiên thể băng giá này đang trên đường ra khỏi hệ mặt trời bên trong và sẽ có thể được nhìn thấy ở Bắc bán cầu vào giữa tháng 10 đến đầu tháng 11.

Vào ngày 12/10, sao chổi sẽ đến gần Trái đất trong phạm vi khoảng gần 71 triệu km. Theo NASA, đây là chuyến bay ngang qua Trái đất đầu tiên được ghi nhận của sao chổi này. Với quỹ đạo 80.000 năm, thiên thể này có thể đã được nhìn thấy lần cuối trên bầu trời Trái đất từ thời người Neanderthal.

Theo EarthSky, để chiêm ngưỡng sự kiện chỉ xảy ra một lần trong đời này, những người quan sát có thể nhìn về phía tây của bầu trời đêm, ngay sau khi mặt trời lặn. Sao chổi sẽ trông giống như quả cầu lửa sáng trên bầu trời đêm với đuôi kéo dài.

Bill Cooke, người đứng đầu Văn phòng Môi trường Thiên thạch của NASA tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Marshall, khuyên nên sử dụng một cặp ống nhòm để quan sát sao chổi tốt hơn.

"Nó sẽ không lướt qua bầu trời như một thiên thạch. Nó sẽ chỉ xuất hiện lơ lửng ở đó, và nó sẽ từ từ thay đổi vị trí từ đêm này sang đêm khác. Nếu nhìn thấy sao chổi bằng mắt thường rồi, sử dụng thêm ống nhòm sẽ khiến bạn kinh ngạc", Cooke nói.

Theo NASA, Tsuchinshan–ATLAS được các nhà quan sát phát hiện vào năm 2023 thông qua Đài quan sát Tsuchinshan của Trung Quốc và kính viễn vọng Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động của tiểu hành tinh trên Trái đất (ATLAS) ở Nam Phi, do đó sao chổi này có tên như vậy.

Vật thể trên trời này đến từ Đám mây Oort, "một tập hợp sao chổi chủ yếu hình cầu gần như không liên kết với Hệ Mặt trời của chúng ta, cách xa mặt trời hàng nghìn lần so với chúng ta", theo nhà thiên văn học Tiến sĩ Teddy Kareta, cộng sự sau tiến sĩ tại Đài quan sát Lowell, cho biết.

Do gần mặt trời, Tsuchinshan–ATLAS sẽ trải qua hiệu ứng tán xạ về phía trước, khiến sao chổi xuất hiện sáng nhất vào khoảng ngày 9/10 do ánh sáng mặt trời phản chiếu qua khí và mảnh vỡ của sao chổi. Nhưng do ánh sáng chói của mặt trời chặn sao chổi, nên không có khả năng thiên thể này sẽ xuất hiện trên bầu trời cho đến vài ngày sau đó.

Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Tsuchinshan–ATLAS sẽ quay trở lại quỹ đạo này sau khoảng 80.000 năm nữa.

Đối với những ai không thể nhìn thấy Tsuchinshan–ATLAS trên bầu trời đêm, Dự án Kính viễn vọng ảo tại Ý sẽ tổ chức phát trực tiếp hình ảnh sao chổi này vào ngày 9/10 khi nó sáng nhất và vào ngày 12/10 khi nó ở vị trí gần Trái đất nhất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật