Tin liên quan
Vụ ông Trump bị bắn khi đang vận động tranh cử hôm 13-7 tại TP Butler, bang Pennsylvania là cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với Cơ quan Mật vụ Mỹ trong nhiều thập niên qua, tờ The Wall Street Journal đánh giá.
Cơ quan chức năng Mỹ đã xác định nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi và đã bị bắn chết sau vụ nổ súng. thi thể nghi phạm này, bên cạnh khẩu súng trường AR-15, nằm trên nóc của một nhà kho gần đó, chỉ cách chỗ ông Trump đứng phát biểu khoảng 120 m.
Theo The Wall Street Journal, trọng tâm của các cuộc điều tra sắp tới sẽ xoay quanh câu hỏi: Làm thế nào mà một tay súng đơn độc chỉ mới 20 tuổi có thể chiếm một vị trí bắn lộ thiên trên một mái nhà ở không xa so với chỗ đứng của cựu tổng thống?
Mật vụ Mỹ sẽ bị điều tra
Ngày 14-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi “đánh giá độc lập” về các biện pháp an ninh trước và sau vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời chỉ đạo Cơ quan Mật vụ Mỹ rà soát tất cả các biện pháp an ninh để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào ngày 15-7, theo tờ The New York Times.
Chỉ thị của ông Biden dù ngắn gọn và không nhiều chi tiết cụ thể nhưng có khả năng sẽ tăng cường sự giám sát các quyết định và hoạt động của cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh đạo, cựu lãnh đạo và người thân của những yếu nhân này.
Cùng với đó, nhiều thành viên Quốc hội, cả đảng dân chủ và Cộng hòa, cũng đã yêu cầu khẩn trương điều tra vai trò của Cơ quan Mật vụ Mỹ.
Hôm 14-7, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nói với đài NBC rằng quốc hội sẽ tiến hành “một cuộc điều tra đầy đủ về thảm kịch ngày 13-7 để xác định xem có những sai sót về an ninh ở đâu và thông tin bất kỳ những gì mà người dân Mỹ cần biết và xứng đáng được biết”. Ngoài ra, ông Johnson cũng đề nghị Giám đốc Cơ quan Mật vụ Kimberly A. Cheatle có mặt trong phiên điều trần ngày 22-7 của Quốc hội.
Mạnh hơn, nghị sĩ Carlos Gimenez, thành viên Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, gọi việc sơ sẩy của mật vụ Mỹ khi để ông Trump bị bắn là “các hành vi vi phạm an ninh không thể biện minh được” và cũng nói rằng quốc hội đang điều tra.
Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa bắt đầu vào ngày 15-7 tại TP Milwaukee, bang Wisconsin và sẽ kéo dài nhiều ngày. Cơ quan Mật vụ Mỹ đã cam kết đảm bảo có sự hiện diện đông đảo các nhân viên an ninh, mặc đồng phục lẫn thường phục, từ nhiều cơ quan để đảm bảo an toàn vì sự kiện này được chỉ định là Sự kiện An ninh Đặc biệt Quốc gia. Chỉ định đó thường được sử dụng cho các sự kiện quy mô lớn, như họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cho phép Cơ quan Mật vụ thu hút thêm các nguồn lực liên bang.
Ngày 14-7, người phát ngôn Cơ quan Mật vụ Mỹ Anthony Guglielmi khẳng định thông tin cho rằng cơ quan này từ chối yêu cầu an ninh từ nhóm vận động tranh cử của ông Trump là thông tin sai sự thật.
“Trên thực tế, chúng tôi đã bổ sung nhiều nguồn lực, công nghệ và khả năng bảo vệ như một phần của các chiến dịch tranh cử khi cường độ của chúng ngày càng tăng” - ông Guglielmi viết trên X.
Tranh luận về phạm vi bảo vệ của mật vụ Mỹ
Cơ quan Mật vụ Mỹ thường xuyên dựa vào cơ quan thực thi Pháp Luật địa phương khi lên kế hoạch đảm bảo an ninh cho các sự kiện như sự kiện vận động tranh cử của ông Trump hôm 13-7.
Cơ quan này thường chịu trách nhiệm trực tiếp về an ninh trong phạm vi quy định của sự kiện, bao gồm địa điểm, khán giả và yếu nhân được bảo vệ, theo người phát ngôn của Cơ quan Mật vụ Anthony Guglielmi.
Trong vụ ông Trump bị bắn, tòa nhà nơi nghi phạm xả súng nằm ngoài phạm vi bảo vệ của mật vụ, điều đó có nghĩa nó sẽ được cơ quan thực thi Pháp Luật địa phương bảo vệ.
Có 4 đội bắn tỉa bảo vệ ông Trump trong cuộc vận động tranh cử hôm 13-7, gôm 2 đội của Cơ quan Mật vụ Mỹ và 2 đội của cơ quan thực thi Pháp Luật địa phương. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tuy nhiên, một số cựu quan chức an ninh, bao gồm những người có quan hệ với Cơ quan Mật vụ, lại băn khoăn lý do tại sao phạm vi bảo vệ của Cơ quan Mật vụ không bao gồm tòa nhà gần đó - nơi nghi phạm có thể bố trí súng thuận lợi như vậy.
Ông Robert E. McDonald, giảng viên ĐH New Haven và là người đã có 20 năm làm việc trong Cơ quan Mật vụ, đặt câu hỏi tại sao Cơ quan Mật vụ không cử lính bắn tỉa theo dõi tòa nhà nơi nghi phạm ra tay một cách chặt chẽ hơn.
“Chúng tôi không nói đến bất kỳ tòa nhà chọc trời nào ở đây. Họ (Cơ quan Mật vụ) có thể thấy điều đó. Nếu có ai đó ở trên đó, họ có thể cử nhân viên thực thi Pháp Luật lên đó để kiểm tra” - ông McDonald băn khoăn.
Ông Kenneth Gray, đặc vụ FBI đã nghỉ hưu và hiện là giáo sư tại ĐH New Haven, cũng nói với tờ Financial Times rằng ông rất bất ngờ khi một tay súng có thể leo lên mái của một tòa nhà gần đó và tiến hành tấn công mà không bị phát hiện.
“Nó cho thấy lỗ hổng trong kế hoạch an ninh cho cuộc vận động tranh cử này. Việc nghi phạm có thể tiến hành vụ tấn công như thế này có vẻ như lực lượng an ninh cần thêm nguồn lực”- ông Gray nói.
Theo các cựu quan chức an ninh, khi chuẩn bị cho một sự kiện như một cuộc vận động tranh cử, Cơ quan Mật vụ sẽ cử các đơn vị tiền trạm kiểm tra địa điểm để xác định cần sử dụng nhân lực và các nguồn lực như thế nào. Đội này cũng quyết định mức độ bảo đảm an ninh xung quanh yếu nhân sẽ được mở rộng ra sao.
Một cựu quan chức an ninh cho biết phạm vi bảo vệ yếu nhân được chia làm 3 vòng: phạm vi bên trong là ngay xung quanh sân khấu của tổng thống, phạm vi ở giữa và bên ngoài. Làm rõ hơn, một cựu sĩ quan mật vụ - người đã phát triển các kế hoạch an ninh cho các sự kiện của tổng thống, nói rằng vành đai ở giữa xung quanh ông Trump đáng lẽ phải bao gồm tòa nhà nơi có nghi phạm và một đội bắn tỉa lẽ ra phải bố trí trên sân thượng của tòa nhà này.
Các quan chức thực thi Pháp Luật cũng đặt câu hỏi lực lượng mật vụ mất bao lâu để di chuyển ông Trump ra khỏi sân khấu. Có thời điểm, lực lượng mật vụ dường như đi chậm lại để cho phép ông Trump đi giày và giơ nắm đấm.
Ông Jeffrey James, một cựu mật vụ có 22 kinh nghiệm trong Cơ quan Mật vụ, đánh giá rằng đây là điều bất thường vì sự chậm trễ của việc sơ tán yếu nhân. Ông nói: “Nếu đó là tôi ở đó thì không. Nếu là tôi, tôi sẽ mua cho ông Trump một đôi giày mới”.