Doanh nghiệp Mỹ sụt giảm niềm tin nghiêm trọng do lo ngại lạm phát

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Áp lực lạm phát vẫn là mối lo đè nặng lên doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ.
Doanh nghiệp Mỹ sụt giảm niềm tin nghiêm trọng do lo ngại lạm phát
Chỉ số Lạc quan của Doanh nghiệp nhỏ Mỹ đang ở mức thấp nhất. Ảnh: CNBC

Theo một cuộc khảo sát, niềm tin của doanh nghiệp nhỏ tại nước Mỹ trong tháng 3 đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm qua, do chủ doanh nghiệp lo ngại về lạm phát ngày càng tăng.

Trong bối cảnh các dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm dần, vào hôm thứ Ba, Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia (NIFB) trích dẫn số liệu từ các cuộc khảo sát về niềm tin doanh nghiệp, cho biết Chỉ số Lạc quan của Doanh nghiệp nhỏ trong tháng 3 là 88,5, giảm gần một điểm phần trăm so với tháng 2. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012 và tiếp tục chuỗi 27 tháng liên tiếp dưới mức trung bình 50 năm là 98.

Các cuộc khảo sát cho thấy 25% chủ doanh nghiệp được hỏi xác định lạm phát là mối lo ngại hàng đầu. Họ đặc biệt lo ngại về sự gia tăng đáng kể của chi phí đầu vào và lao động. Hôm thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ báo cáo thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động tăng 0,3% trong tháng 3.

Nhà kinh tế trưởng tại NFIB, Bill Dunkelberg cho biết: “Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2012, khi chủ sở hữu liên tục phải đối mặt với nhiều trở ngại kinh tế. Trong đó, lạm phát là nguyên nhân chính”.

Cuộc khảo sát của NIFB cũng cho thấy ngày càng nhiều các doanh nghiệp gia tăng giá bán trung bình, nhằm bù đắp áp lực lạm phát thông qua điều chỉnh giá.

Tình trạng tăng giá trong các lĩnh vực như: tài chính, xây dựng, buôn bán... làm trầm trọng thêm mối lo ngại về áp lực lạm phát trên toàn nền kinh tế. Dù nhu cầu lao động đang giảm sút, các cuộc khảo sát lại cho thấy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra mức tăng lương cao hơn, nhấn mạnh áp lực tiền lương đến trong bối cảnh các điều kiện thị trường lao động thắt chặt.

Những áp lực từ lạm phát cũng như môi trường kinh doanh đầy thách thức làm gia tăng căng thẳng đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: xây dựng, dịch vụ và vận tải, những ngành đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề cao và lao động phổ thông. Bất chấp những báo cáo tích cực về mức tăng việc làm trong thời gian gần đây, khi nền kinh tế Mỹ tạo hơn 300.000 việc làm trong tháng 3 cũng như tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%, từ mức 3,9% trong tháng 2, áp lực lạm phát vẫn phủ bóng đen lên sự phục hồi của nền kinh tế.

Với việc báo cáo chỉ số giá tiêu dùng sẽ được công bố vào hôm thứ Tư, các nhà kinh tế dự đoán áp lực lạm phát sẽ ngày càng gia tăng, khi chỉ số CPI có thể đạt mức tăng 0,3% vào tháng 3, sau mức tăng 0,4% trong tháng 2. So với cùng kỳ năm trước, CPI dự kiến sẽ tăng 3,4% trong tháng 3, vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang, cho thấy tính cấp thiết của việc giải quyết rủi ro lạm phát.

Trước những thách thức này, thị trường kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, dù vẫn chưa xác định được thời điểm chính xác thực hiện mục tiêu này. Trong cuộc họp vào ngày 20/3, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5%, mức lãi suất được ấn định kể từ tháng 7/2023.

Đối với việc cắt lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell tỏ thái độ thận trọng, cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ phải mất một khoảng thời gian để đánh giá tình trạng lạm phát hiện tại trước khi đưa ra quyết định chính thức.

“Liên quan đến lạm phát, còn quá sớm để tin rằng những số liệu gần đây đủ để khiến chúng tôi đi đến quyết định hạ lãi suất. Việc cắt giảm chỉ phù hợp cho đến khi chúng tôi tin rằng lạm phát đang giảm dần xuống 2% một cách bền vững” – ông cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật