Bỗng dưng mất tiền tỷ
Thị trường tài chính tuần qua nóng chuyện một số khách hàng gửi tiền tại ngân hàng MSB bỗng dưng bị “rút ruột”. Ban đầu, bà N.T.L (Hà Nội), một khách hàng của MSB phản ánh bị mất hơn 58 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng mở tại một chi nhánh Ngân hàng MSB.
Theo đó, ngày 12/10/2023, bà L đến chi nhánh MSB tại Hà nội yêu cầu được sao kê tài khoản từ khi mở (tháng 3/2021) và phát hiện ra trên tài khoản tiết kiệm hơn 58 tỷ đồng của mình chỉ còn lại 93.640 đồng. Đồng thời, trên bảng sao kê tài khoản thể hiện rất nhiều các giao dịch chuyển rút tiền không phải do bà yêu cầu hoặc thực hiện.
Liền sau đó, một khách hàng khác là bà V.T.K.O (Hà Nội) cũng cho biết tài khoản ngân hàng của bà tại MSB cũng bị mất 27,7 tỷ đồng một cách bất thường, dù giấy xác nhận gửi tiền đều có chữ ký của giám đốc chi nhánh, trong khi bà không biết gì về các giao dịch rút tiền cho đến khi yêu cầu sao kê tài khoản từ khi mở thì phát hiện số dư tài khoản chỉ còn 46.328 đồng.
Trước sự việc này, MSB cho biết, trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng này đã phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến một số cán bộ nhân viên với một nhóm khách hàng (có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB). Theo đó, MSB đã chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.
Thế nhưng không phải chỉ bà L, bà O mà còn có tới 8 nạn nhân khác cũng bị mất tiền tương tự tại MSB. Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân - liên quan vụ khách hàng mất 58 tỉ đồng trong tài khoản.
"Ngày 10/10/2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng trên có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tin báo trên tố cáo bà Bùi Thị Hoài Anh (SN 1984, trú tại chung cư 390 Bồ Đề, Long Biên) - Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền 165 tỷ đồng. Căn cứ kết quả điều tra ngày 18/10/2023, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh. Bước đầu xác định bà Hoài Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Sự việc diễn ra tại MSB đang nóng thì mới đây một chuyên gia tài chính nổi tiếng là ông Nguyễn Trí Hiếu đã cho biết, bản thân ông cũng bị kẻ gian đánh cắp 500 triệu đồng trong tài khoản Ngân hàng Quốc dân - NCB. Theo đó, qua rà soát hệ thống, ngân hàng NCB cho ông biết, đối tượng lừa đảo sử dụng Internet banking, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân mạo danh ông, hai lần yêu cầu ngân hàng cấp mật khẩu mới.
Kết quả, ngân hàng NCB gửi tin nhắn là mã OTP vào số điện thoại ông Hiếu nhưng thực tế một người khác có số điện thoại trùng khớp với số điện thoại ông Hiếu lại nhận được mã OTP. Còn điện thoại của ông Hiếu thì không nhận được tin nhắn mã OTP. Sau khi có được mã OTP, đối tượng lừa đảo đã đổi lại mật khẩu tài khoản ngân hàng và nhanh chóng thực hiện rút tiền.
Trước sự việc này, ông Hiếu cũng đặt ra vấn đề lỗ hổng về bảo mật thông tin, nhất là việc đối tượng lừa đảo có thể đã xâm nhập vào hệ thống để đánh cắp tin nhắn ngân hàng gửi cho chủ tài khoản.
"Việc người dân mất tiền trong tài khoản ngày càng lan rộng và nguy hiểm. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345 yêu cầu các ngân hàng phải có xác nhận bằng mặt hay vân tay khi khách hàng chuyển tiền trên 10 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay. Có thể đã có lỗ hổng bảo mật và vì thế NHNN mới ban hành quyết định này", vị chuyên gia chia sẻ thêm.
Khách hàng làm gì để bảo vệ mình?
Trước các sự việc này, nhiều người bày tỏ lo lắng khi gửi tiền ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là vai trò của ngân hàng ở đâu, khách hàng liệu có đòi lại được tiền? Trao đổi với PV Báo CAND, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW cho rằng, với trường hợp có tổn thất, thiệt hại xảy ra mà không phải do lỗi của khách hàng thì chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên phải là ngân hàng cho dù là lỗi vô ý hay có chủ ý của nhân viên ngân hàng, hay kẻ gian ngoài ngân hàng.
“Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng khoản tiền bị thất thoát. Khách hàng cần thu thập tài liệu, phối hợp với ngân hàng để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Còn với các trường hợp mất tiền nói chung, để đảm bảo quyền lợi của mình, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo, khi gặp rủi ro mất tiền gửi tại ngân hàng, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ hồ sơ bằng chứng, tài liệu giao dịch với ngân hàng. Sau đó, liên hệ với ngân hàng nơi mình gửi tiền, thông báo về sự cố và cung cấp đầy đủ thông tin giao dịch để ngân hàng xác minh tình hình.
Trong quá trình đàm phán, thỏa thuận với ngân hàng, nếu hai bên không thể đạt được tiếng nói chung, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu ngân hàng hoàn trả lại số tiền bị mất. Đồng thời, khách hàng cũng nên tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để nhận tư vấn và tiến hành mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Chia sẻ thêm về trách nhiệm của ngân hàng, luật sư Hà dẫn Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và cho biết, ngân hàng phải có trách nhiệm tham gia bảo toàn tiền gửi tại ngân hàng, nếu xảy ra thất thoát tiền gửi, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Riêng với khách hàng, để đảm bảo an toàn khi gửi tiền ngân hàng, các chuyên gia khuyến cáo người gửi không nên giao dịch ngoài trụ sở mà phải đến thẳng các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để trực tiếp giao dịch. Khi nộp tiền, khách hàng lưu ý ghi đầy đủ thông tin và thông số vào các chứng từ; chỉ nhận lại chứng từ, văn bản khi có chữ ký của giao dịch viên và dấu xác nhận của ngân hàng. Người gửi tiền có thể lưu giữ lại bằng chứng bằng việc sử dụng thiết bị di động, điện tử quay lại video clip toàn bộ quá trình giao dịch của mình.
Khách hàng đang có tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng. Tuyệt đối không ký khống bất cứ giấy tờ gì kể cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu, nếu không thực sự hiểu rõ. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác, không truy cập các đường link lạ có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản đánh cắp dữ liệu...