Xót xa phận mồ côi
Dù còn nhỏ nhưng chị em Y Cương sinh sống tại thôn Đăk Kơ Đương, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã trải qua nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn khi cha mất vì bạo bệnh chưa bao lâu, thì mẹ cũng theo cha từ giã cõi đời.
Giờ đây, trong căn nhà tạm bợ chừng 20m2, hình ảnh về người cha hiền hòa, người mẹ dịu dàng chỉ còn là hoài niệm. Những đứa trẻ này, vốn dĩ đang ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, giờ đây chỉ biết nương tựa vào nhau sống lay lắt qua ngày.
Hình ảnh những đứa trẻ với vẻ mặt ngờ nghệch, được chị cả Y Cương (16 tuổi) giang rộng vòng tay ôm vào lòng cùng nhau òa khóc, khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.
Chia sẻ với chúng tôi, Y Cương rớm nước mắt kể: "Nhiều năm về trước, cha bất ngờ đổ bệnh. Mẹ gom góp, vay mượn được đồng nào đều bỏ vào chạy chữa cho cha. Thấy mẹ vất vả, làm thuê quần quật vừa lo tiền thuốc cho cha, vừa tiền sinh hoạt trong gia đình nên em xin nghỉ học phụ mẹ đi làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Thế nhưng, căn bệnh ung thư gan quái ác khiến cha không cầm cự được bao lâu. Từ ngày cha mất, mẹ trở thành trụ cột chính trong gia đình. Dù cuộc sống có nhiều lúc khó khăn, vất vả nhưng luôn có mẹ che chở, nâng niu bao bọc. Nhưng tai họa tiếp tục giáng xuống gia đình, khi người mẹ bất ngờ bị ngã rồi qua đời vào tháng 10/2023".
Không có nỗi đau nào bằng chỉ trong thời gian ngắn 5 đứa trẻ mất cả bố, lẫn mẹ, Y Cương òa khóc: “Không hiểu sao ông trời cứ đày đọa gia đình em mãi thế. Từ ngày cha mẹ mất, em chẳng dám khóc, vì nếu mình khóc mấy đứa em cũng sẽ khóc theo. Nếu có khóc em sẽ đi tìm một chỗ nào thật vắng không ai nhìn thấy thì mới rơi nước mắt. Em tự nhủ sẽ phải thật mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho bầy em. Thế nhưng cũng có nhiều đêm em mơ thấy cha mẹ về, nhưng khi mình bật dậy thì cha mẹ biến mất. Lúc đấy nước mắt em cứ tự chảy ra”.
Mong muốn được đến trường
Từ ngày cha mẹ mất Y Cương vừa làm bố, làm mẹ, để nuôi dạy, chăm sóc các em. Để có tiền nuôi các em và không dựa dẫm vào ai, Y Cương xin đi làm cỏ, gọt mì thuê, mỗi ngày kiếm được khoảng 120.000 đồng. Những hôm rảnh rỗi, cô bé lại vào rừng kiếm măng đem bán. Sống dựa vào rừng nên thu nhập cũng hôm có, hôm không.
Cha mẹ mất, 5 chị em nương tựa vào nhau.
Ở thôn nghèo Đăk Kơ Đương, khoản tiền ít ỏi đó không phải lúc nào cũng kiếm được. Có những đợt cả mấy hôm liền không có ai thuê, cây măng trên rừng cũng hết, Y Cương chẳng biết kiếm đâu cho ra tiền.
Mấy chị em Y Cương đành ra sông bắt cá, lên rừng hái rau dại về ăn cho qua bữa. Những ngày mưa gió không đi bắt cá, hái rau được, mấy chị em phải ra quán tạp hóa mua chịu thức ăn.
"Em luôn tự nhủ bản thân phải thật vững vàng để làm chỗ dựa cho mấy đứa nhỏ. Điều lo lắng nhất của em là làm sao kiếm được đủ tiền lo cho các em được học hành đến nơi đến chốn, không phải bỏ học giữa chừng", Y Cương nói.
Phía sau Y Cương còn 4 người em đứa lớn nhất mới 14 tuổi, đứa nhỏ nhất mới vào lớp 1. Dù vậy, thấu hiểu những vất vả mà người chị đang gánh vác, nên đàn em thơ cũng luôn chia sẻ những công việc nhà với Y Cương.
Em Y Kiêng (14 tuổi) buồn bã: "Thấy chị vất vả, em thương lắm. Sau mỗi buổi học, tụi em lại tranh thủ đi làm kiếm tiền phụ chị. Dù không nhiều nhưng chúng em luôn cố gắng hết mình để san sẻ khó khăn với chị. Bố mẹ mất rồi, giờ 5 chị em phải đùm bọc lẫn nhau thôi".
Là hàng xóm thường xuyên qua lại thăm mấy chị em Y Cương, bà Y Dim ái ngại: “Các cháu rơi vào hoàn cảnh thế này nên bà con hàng xóm ai giúp được gì thì cùng giúp. Bữa cơm, bữa cháo thì chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ cho các cháu nhưng việc học hành thì đúng là nan giải. Các cháu còn nhỏ quá, chặng đường phía trước lại quá dài, không biết rồi tương lai các cháu sẽ đi đâu, về đâu”.
Căn nhà tạm bợ nay thiếu hơi ấm của người cha, người mẹ.
Ông Hà Đức Mỹ, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết: “5 chị em cháu Y Cương là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Thấu hiểu những vất vả, bất hạnh của các cháu nên thời gian qua địa phương thường xuyên quan tâm và nỗ lực kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ. Thời gian tới, rất cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức, nhà hảo tâm và những tấm lòng nhân ái để cuộc sống 5 cháu bé vơi bớt khó khăn”.