Đền Nhà Bà ở phường Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) được xây dựng khoảng từ cuối thế kỷ 19 (chưa rõ năm nào).
Thời kỳ đó người Trung Hoa sang Hải Phòng buôn bán rất đông và họ lập thành Hội Hoa Thương. Sau đó, những người Trung Hoa xây dựng đền thờ nữ thần, gọi là đền Nhà Bà và xây dựng hội quán để hội họp (còn gọi là Hội quán Quảng Đông).
Trong ảnh, ở giữa là đền Nhà Bà, 2 bên là Hội quán Quảng Đông. Đền thờ ba Bà, còn hội quán thờ Quan Công. Theo bia ghi thì người Hoa Kiều đóng góp tiền để xây dựng Đền Nhà Bà từ năm Quang Tự thứ 16 (năm 1891).
Sân trước đền khá rộng, là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội và cả các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.
Ngoài chức năng là đền thờ, đền Nhà Bà còn là hội quán, Hoa thương hội quán - tổ chức gắn kết cộng đồng người Hoa tại Hải Phòng. Vì vậy, công trình này vừa mang yếu tố tôn giáo tín ngưỡng, vừa mang yếu tố tổ chức kinh tế (Hội quán Quảng Đông).
Ngày 27/2/1972, khu vực đền bị bom đạn của Mỹ bắn phá, sân đền có bom nổ. Hội quán Quảng Đông đã được sửa chữa và xây dựng thêm.
Theo thời gian, cùng với tốc độ đô thị hóa phát triển, khuôn viên quanh đền Nhà Bà đã hình thành chợ Tam Bạc để người dân khu vực kinh doanh buôn bán.
Trong ảnh (của tác giả Đông Giang) là hiện trường chợ Tam Bạc bốc cháy ngùn ngụt vào sáng sớm 12/2/2023.
Sau vụ cháy, toàn bộ kết cấu chợ Tam Bạc ở khu vực sân đền Nhà Bà đã bị kéo sập, hiện chỉ còn là bãi đất trống và những đống sắt vụn.
Đền Nhà Bà và hội quán 2 bên cũng bị ảnh hưởng, xuống cấp nghiêm trọng sau vụ cháy chợ Tam Bạc hơn 1 năm trước.
Bà Điệp, người trông nom đền Nhà Bà hơn 30 năm vẫn nhớ rất rõ vụ cháy kinh hoàng xảy ra vào sáng sớm 12/2/2023, bà kể "Khói lửa bốc lên kinh hoàng, nhưng không hiểu sao không cháy vào trong đền. Mặc dù khu vực hội quán, đền, bên trong có nhiều đồ dễ cháy như hàng mã, nhưng lửa lại không cháy lan vào".
Mặt ngoài của đền Nhà Bà và hội quán, các lớp vữa đã bong tróc để lộ lớp gạch xây phía trong. Một số hạng mục của công trình đã không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, đền Nhà Bà ở giữa theo quan sát kết cấu công trình vẫn còn khá nguyên vẹn.
Quá trình tìm hiểu và tiếp xúc với những hộ dân kinh doanh buôn bán nơi đây, họ đều mong muốn chính quyền Hải Phòng xây dựng một chợ mới trên nền chợ Tam Bạc cũ.
Người dân cho biết, địa bàn chợ Tam Bạc cũ có truyền thống kinh doanh buôn bán, nên họ không muốn rời đi nơi khác.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho biết, theo tiêu chuẩn về diện tích, khu vực chợ Tam Bạc cũ không đủ điều kiện để xây chợ mới. Do đó, TP Hải Phòng đã xây dựng một chợ Tam Bạc mới ở đường Hồng Bàng, quận Hồng Bàng.
Trong ảnh là bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vườn hoa cây xanh tại chợ Tam Bạc cũ. Phần khoanh tròn đỏ là khu vực đền Nhà Bà sẽ được giữ lại để nâng cấp tu bổ thêm.
Theo bản đồ quy hoạch, bên trong đường kẻ đỏ sẽ thuộc dự án Khu vườn hoa cây xanh tại chợ Tam Bạc cũ. Dự án có diện tích hơn 5.000m2, chủ yếu dùng cho trồng cây xanh cảnh quan.
Theo quy hoạch, đền Nhà Bà sẽ được giữ lại và trùng tu, còn các công trình bên cạnh (gồm Hội quán Quảng Đông) cũng sẽ bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho dự án vườn hoa cây xanh.
Công trình hội quán bên trái đền Nhà Bà còn khá nguyên vẹn, còn bên phải đã xuống cấp nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu Hải Phòng muốn giữ lại vẫn có thể trùng tu, phục dựng.
Đền Nhà Bà trước kia rất rộng, gồm 8 cung thờ. Theo thời gian, đất của đền đã dần hình thành các ki-ốt bán hàng của người dân và công trình nhà của Ban quản lý chợ Tam Bạc cũ.
Kiến trúc của đền được xây dựng theo kiểu đền đài Trung Quốc. Nhìn bề ngoài đền có 3 nóc, nóc trong và nóc ngoài chồng diêm, nóc thứ 3 ở giữa kiểu hình vuông.
Nhưng nhìn từ bên trong, đền gồm có 5 cung nối liền với nhau bằng 4 đội cột gióng cao chạy thành 2 hàng và 1 đội cột ở phía ngoài tạo thành 1 cửa chính. Như vậy trong đền có tất cả 10 cột gỗ, trên đầu cột có những xà cũng bằng gỗ nối với nhau thành 1 khung nhà chắc chắn. Chân các cột có đá cổ bồng, bốn mặt xây bằng tường gạch, ngoài hiên đền để 1 cửa rộng ra - vào.
Thềm hiên của đền ghép đá ba bậc, mái hiên có những xà chồng rường đục chạm nghệ thuật.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP Hải Phòng, đền Nhà Bà chưa phải là di tích lịch sử được xếp hạng, nhưng đây là cơ sở tín ngưỡng quan trọng, đã gắn bó tình cảm với người dân TP Hải Phòng. Do đó, đền Nhà Bà đã được giữ lại để trùng tu, nâng cấp.
Khi phóng viên nêu nguyện vọng của người dân muốn giữ lại cả công trình hội quán cạnh đền Nhà Bà, nhà chức trách địa phương cho biết sẽ đến khảo sát lại một cách kỹ lưỡng rồi mới có phương án cụ thể.