Sáng nay, 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là người đăng đàn trả lời chính.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn về vấn đề kinh doanh bảo hiểm
Ngay mở đầu phiên chất vấn, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, đặt nhiều câu hỏi với người đứng đầu ngành tài chính là lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, nhất là tình trạng chèo kéo, môi giới, lừa đảo người dân mua bảo hiểm gây bức xúc trong xã hội.
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) phản ánh, hiện nay có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức. Thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Vị ĐBQH này đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính nêu giải pháp để giải quyết?
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 (2018), Nghị định 80 (2019) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số mà Bộ đang xây dựng có điểm mới nào liên quan đến việc bán bảo hiểm, để giải quyết các vướng mắc hiện nay?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Về hợp đồng bảo hiểm kéo dài, Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn.
Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng chất vấn Bộ trưởng Tài chính
Tiếp tục chất vấn tư lệnh ngành tài chính về vấn đề bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) nêu, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp ngăn chặn?
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên), đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương)... đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết khung pháp lý để cấp phép đào tạo các đơn vị môi giới bảo hiểm trong thời gian tới?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chúng ta có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước, 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Việc hoạt động chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện.
Việc các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm như ý kiến ĐBQH nêu, ông Phớc cho biết, có thể do hành vi của nhân viên ngân hàng, cũng chưa xác định rõ vai trò của các Chủ tịch, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, cũng có thể do bảo hiểm liên kết để hưởng chi phí dịch vụ.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính xây dựng quy trình thanh tra kiểm tra để đảm bảo đúng quy định...
Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm năm 2023. Bộ trưởng Tài chính cho biết, đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình có kéo, gây ra tranh chấp hiện có hai kênh giải quyết. Đó là gọi đến Cục Quản lý bảo hiểm Nếu có dấu hiệu lừa đảo Hình Sự sẽ được xử lý qua bộ phận điều tra Hình Sự.
Về phía Bộ Tài chính đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc; công ty bảo hiểm nào dây dưa, không trả bảo hiểm thì Cục Quản lý bảo hiểm của Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định.