7h sáng 6/3, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp Hà Nội được đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình tại Hà Nội là 204 – mức rất xấu. Chỉ số bụi mịn (PM2.5) cao gấp 30,1 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tương tự, Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau) cũng hiển thị mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức 150 – 333.
Nhiều điểm có chỉ số AQI 150 – mức không lành mạnh, trong đó, khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam (huyện Gia Lâm) AQI 333 – mức rất xấu.
Từ trưa 4/3 đến nay, Hà Nội liên tục được xếp hạng đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Theo thống kê từ đầu tháng 2 đến nay, Hà Nội có 2 ngày không khí ở mức tốt (ngày 24 và 29/2); 21 ngày ở mức trung bình, kém; 8 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới quy định.
Dữ liệu ghi lại từ bản đồ vệ tinh cho thấy ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2) do ảnh hưởng của khí hậu, hướng gió và việc đốt rơm rạ.
Khoảng 1/3 bụi mịn PM 2.5 trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong khi 2/3 còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài như các tỉnh lân cận, Đồng bằng sông Hồng và ô nhiễm xuyên biên giới.
Các chuyên gia môi trường đánh giá thời tiết Hà Nội những ngày gần đây trời quang mây, không có gió, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là điều kiện thuận lợi để ô nhiễm không khí gia tăng.
Hồi cuối năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) yêu cầu các địa phương chủ động theo dõi diễn biến ô nhiễm không khí để kiểm soát nguồn thải cũng như khuyến cáo người dân.