Hiện đang có hai chính sách thai sản được áp dụng gồm: chế độ thai sản đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội và chế độ thai sản chi trả từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 39 của Chính phủ.
Theo Nghị định này, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người.
Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Ban Chính sách luật pháp (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, diện bao phủ thực tế chế độ trợ cấp thai sản ở Việt Nam năm 2021 mới chỉ chiếm gần 40% số phụ nữ sinh con. Trong hơn 1,5 triệu phụ nữ sinh con năm 2021, có khoảng hơn 14.700 phụ nữ được nhận trợ cấp thai sản theo Nghị định số 39, hơn 600.000 phụ nữ được nhận trợ cấp theo Luật Bảo hiểm xã hội. Đáng chú ý, có tới 22 tỉnh, thành phố có trên 80% phụ nữ sinh con, nhận con nuôi không được hưởng chế độ trợ cấp thai sản. Những số liệu này cho thấy khoảng trống trong chính sách thai sản.
“Phụ nữ mà không được hưởng chế độ thai sản thì có nhu cầu được đảm bảo thu nhập cả trước và sau khi sinh. Khi phụ nữ được hưởng trợ cấp thai sản thì có khả năng được bảo vệ tốt hơn và được đảm bảo tốt hơn.. Vì thế chúng ta vừa phải đảm bảo cho phụ nữ thực hiện chức năng sinh sản nhưng vừa phải đảm bảo an ninh kinh tế, nhất là thu nhập mà họ không thể bị mất đi khi thực hiện chức năng sinh sản”, bà Phương nói.
Ông Nguyễn Hải Đạt, Chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội kiến nghị xây dựng chế độ trợ cấp thai sản đa tầng để giúp tất cả phụ nữ tại Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ. Theo đó, trợ cấp tầng 1 (do ngân sách Nhà nước chi trả) cho tất cả những người không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo thu nhập cơ bản cho các bà mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vẫn được bảo vệ. Trợ cấp tầng 2 (do quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước) sẽ giúp thay thế thu nhập bị mất của các cha mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.“Nếu chúng ta áp dụng mục tiêu chính sách khiêm tốn, tôi đề xuất nêu để mức 1,5 triệu đồng/tháng trong 12 đến 14 tuần, chúng tôi tạm tính là 14 tuần thì tính ra chi cho phụ nữ đang trong chế độ thai sản cả nước được hưởng khoản hỗ trợ này rơi vào khoảng 4 nghìn 900 tỷ, chiếm 0,05% GDP cả nước nhưng đấy là mức đảm bảo cho tất cả phụ nữ Việt Nam khi sinh con đều được hưởng chính sách nghỉ ít nhất 12-14 tuần và hưởng mức 1,5 triệu/tháng, đi kèm với đó là sự yên tâm về sức khỏe cho cả bà mẹ và trẻ em”, ông Đạt cho biết thêm.